Kết quả bước đầu của Dự án xây dựng vườn chè giống đầu dòng

10:10, 08/11/2011

Năm 2008 Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên đã thực hiện Dự án Xây dựng vườn chè giống đầu dòng quy mô hộ gia đình nhằm cung cấp nguồn hom giống đảm bảo chất lượng cho người dân…

Nhằm khuyến khích bà con nông dân tích cực cải tạo những vườn chè già cỗi, từng bước thay thế chè trung du bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, năm 2008 Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên đã thực hiện Dự án Xây dựng vườn chè giống đầu dòng quy mô hộ gia đình nhằm chủ động cung cấp nguồn hom giống đảm bảo chất lượng cho người dân. Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã kết thúc và bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Mục tiêu của Dự án Xây dựng vườn chè giống đầu dòng quy mô hộ gia đình nhằm đảm bảo mỗi năm có thể cung cấp được từ  2-4 triệu hom giống chè LDP1 và Phúc Vân Tiên cho các vườn ươm sản xuất cây giống; đồng thời đánh giá các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng và cách phòng, trừ sâu bệnh đối với 2 giống chè mới này. Dự án có quy mô 2ha với 21 hộ dân tham gia ở các xóm: Bãi Hu, Phúc Tài, Hạ, Coong Lẹng, Chãng, Tân Ấp 1 và Đức Phú của xã Phúc Thuận. Các hộ này được hỗ trợ 60% giá giống và 40% giá vật tư; được tập huấn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, cách phát hiện sâu bệnh trên cây chè và phòng trừ kịp thời, hiệu quả, kỹ thuật nuôi và khai thác hom giống đảm bảo chất lượng…

 

Đến nay, sau 3 năm trồng và chăm sóc, diện tích chè thuộc Dự án đã có thể cho khai thác cả hom giống và búp. Ông Phạm Văn Yên, Trưởng xóm Bãi Hu một trong những hộ tham gia Dự án cho biết: Trồng và khai thác giống chè LDP1 tôi nhận thấy đây là loại chè có khả năng nhân giống vô tính cao, dễ giâm cành, tỷ lệ cây xuất vườn đạt 80-95%. Chè sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Đặc biệt, chúng tôi có thể kết hợp vừa khai thác hom giống vừa thu hoạch búp, cho hiệu quả kinh tế cao. Còn ông Nguyễn Thế Thông, ở xóm Đức Phú, tham gia Dự án với diện tích 4.760m2 thì cho biết: Trong quá trình thực hiện vườn ươm, cả hai giống LDP1 và Phúc Vân Tiên đều bị rầy xanh và bọ cánh tơ gây hại với mật độ khá cao, đặc biệt là khi thời tiết có nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7. Sang năm thứ 3, cây gần như khép tán, mật độ gây hại càng nhiều, nếu không được phun thuốc trừ sâu kịp thời thì dễ gây hiện tượng cháy búp. Ngoài ra, 2 giống này cũng rất dễ bị bọ xít muỗi gây hại trong điều kiện mưa ẩm và ở những nương chè gần bờ, có cành la nhiều. Vì vậy, công tác quản lý và chăm sóc vườn chè giống phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, thiết kế đồi nương, mật độ trồng, trồng cây che bóng mát, bón phân cân đối để vườn chè giống đảm bảo về năng suất, chất lượng và hạn chế bị nhiễm sâu bệnh.

 

Qua theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển cho thấy, hai giống chè nói trên trồng trên địa bàn huyện Phổ Yên đều phát triển tốt. Đến nay, giống LDP1 đã có thể cho khai thác 1,1 triệu hom giống/ha, còn giống Phúc Vân Tiên đạt 1 triệu hom giống/ha. Bà Nguyễn Thị Chín, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên cho biết: Toàn huyện hiện có trên 1.800ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là trên 1.400ha, tập trung nhiều ở các xã phía Tây của huyện như: Thành Công, Minh Đức, Phúc Thuận, Phúc Tân, thị trấn Bắc Sơn... Diện tích chè trung du của huyện vẫn còn chiếm 60% diện tích, năng suất chỉ đạt từ 70-80 tạ/ha/năm. Từ năm 2001 đến nay, huyện đã trồng được trên 700ha chè giống mới, năng suất bình quân đạt 100 tạ/ha/năm và giá bán cao hơn chè trung du từ 1,2-1,5 lần.

 

Mặc dù vậy, trên địa bàn huyện vẫn chưa có vườn chè giống đủ tiêu chuẩn để cung cấp nguồn hom giống cho các vườn ươm. Vì thế, thành công của Dự án là đã xây dựng được vườn chè giống đầu dòng để chủ động cung cấp nguồn hom giống đảm bảo chất lượng, giảm chi phí  phục vụ cho công tác trồng mới, trồng lại chè cho nông dân. Từ năm thứ 4 trở đi, các vườn ươm của Dự án có thể cung cấp 6-8 triệu hom giống đạt tiêu chuẩn/năm; đảm bảo cung cấp đủ số lượng hom giống cho các vườn giâm trên địa bàn; đồng thời chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn chè giống, kỹ thuật nhân giống và quản lý vườn giâm cho người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các phòng ban chuyên môn của huyện phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý vườn chè giống nói riêng và quản lý giống chè nói chung nhằm nâng cao chất lượng cây giống, góp phần tăng giá trị sản xuất chè của địa phương. Đồng thời, khuyến khích người dân tập trung trồng và cải tạo diện tích chè đã già cỗi bằng các giống LDP1 và Phúc Vân Tiên để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Khuyến cáo các chủ vườn ươm giống cần chăm sóc, bón phân và quản lý vườn chè theo đúng hướng dẫn để đảm bảo số lượng và chất lượng hom giống cung cấp đến tay người trồng chè.