Trung tâm Nghiên cứu và Cứu hộ động vật vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vừa thả hai con voọc đen Hà Tĩnh vào môi trường tự nhiên.
Hai con voọc đen 2 tuổi trước khi thả vào môi trường tự nhiên đã được các cán bộ Trung tâm trên gắn chíp điện tử để theo dõi, nhằm đảm bảo chúng hòa nhập với môi trường tự nhiên, đồng thời thu thập dữ kiện về việc tìm kiếm thức ăn và tập tính sinh hoạt của loại voọc này.
Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, loài voọc Hà Tĩnh sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt được thả vào môi trường tự nhiên.
Việc thả hai con voọc Hà Tĩnh vào môi trường tự nhiên là kết quả bảo tồn loài voọc quý hiếm của Dự án tái hòa nhập linh trưởng (Hội động vật Frankfurt) và Ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Voọc Hà Tĩnh là loài linh trưởng quý hiếm và đặc hữu của Việt Nam, có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis. Loài này được xếp vào loài bị đe doạ nghiêm trọng trong Sách Đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Chúng được tìm thấy đầu tiên ở khu vực rừng núi đá vôi tây Quảng Bình. Tuy có tên là voọc đen Hà Tĩnh nhưng chúng lại không phân bố ở tỉnh Hà Tĩnh. Chúng sống theo từng đàn từ 2 đến 15 con, nhưng cũng có khi đến 30 con.
Tính đến hết tháng 10 năm nay, Ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã tiếp nhận và cứu hộ 69 loài động vật hoang dã, trong đó thả về tự nhiên 17 loài.