Phi thuyền Phobos Grunt đang lang thang phía trên quỹ đạo trái đất sau khi vừa được phóng lên. Động cơ của nó không hoạt động.
Phobos Grunt, tên của tàu do Nga chế tạo, được phóng về phía sao Hỏa bằng tên lửa Zenit 2 tại sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan vào lúc 20h16 GMT hôm qua. Nó mang theo Yinghuo-1, tàu nghiên cứu sao Hỏa của Trung Quốc.
Đáng lẽ ra, khi tới quỹ đạo sao Hỏa, tàu của Trung Quốc sẽ tách ra và bay quanh hành tinh đỏ, còn tàu của Nga sẽ đáp xuống vệ tinh của sao Hỏa là Phobos để lấy mẫu đất.
Đây là lần đầu tiên Nga nối lại nỗ lực chinh phục sao Hỏa trong suốt 15 năm qua.
Tuy nhiên ngay sau khi cặp phi thuyền tách khỏi tên lửa đẩy thì sự cố xảy ra, hãng thông tấn Interfax dẫn lời ông Vladimir Popovkin, giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga (Roskomos), cho biết.
Phobos Grunt là loại tàu sử dụng sức đẩy của động cơ để bay tới sao Hỏa. Tuy nhiên, động cơ của nó đã không hoạt động nên tàu "mắc kẹt" ngay phía trên trái đất.
"Chúng tôi không thể xác định vị trí của tàu sau khi nó tách khỏi tên lửa", ông Popovkin phát biểu tại sân bay vũ trụ Baikonur.
Giám đốc Roskomos dự đoán có thể máy tính trên tàu đã không gửi tín hiệu kích hoạt tới động cơ của tàu. Đây là một tình huống khẩn cấp đã được tính trước nên các chuyên gia có thể khắc phục. Tàu chưa dùng nhiên liệu và thùng nhiên liệu vẫn trong tình trạng tốt, RIA Novosti cho hay.
Anton Ledkov, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Vũ trụ Nga, thông báo trung tâm điều khiển không nhận được bất kỳ tín hiệu nào từ Phobos Grunt, phi thuyền trị giá 163 triệu USD. Trung tâm điều khiển sẽ cố gắng liên lạc với tàu để kích hoạt động cơ. Các kỹ sư có ba ngày để làm việc đó trước khi tàu sử dụng hết điện trong những quả pin.
Mang theo 20 thiết bị hiện đại, tàu Phobos Grunt có khả năng lấy mẫu đất trên vệ tinh Phobos của sao Hỏa, gửi dữ liệu từ quỹ đạo sao Hỏa và trên bề mặt Phobos về trái đất.
Nếu Roskomos không thể cứu tàu Phobos Grunt thì thất bại này sẽ là một cú giáng mạnh đối với chương trình thám hiểm không gian của Nga. Từ thập niên 60 tới nay Nga đã phóng tàu lên sao Hỏa 16 lần, song tất cả phi thuyền đều không hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí trong vụ phóng gần nhất vào năm 1996 phi thuyền đã nổ tung ngay sau khi bay lên trời.
Nga hứng chịu 4 vụ phóng thất bại trong vòng 11 tháng qua trong lĩnh vực không gian. Hồi tháng 12 năm ngoái, một tên lửa đẩy rơi xuống Thái Bình Dương trong lúc đưa ba vệ tinh viễn thông lên quỹ đạo. Một vệ tinh quân sự mất tích vào tháng 2 năm nay. Vào giữa tháng 8, vệ tinh viễn thông hiện đại nhất của Nga cũng mất tích. Ngày 24/8, một phi thuyền vận tải Progress rơi ngay sau khi phóng do ống dẫn nhiên liệu trong tên lửa đẩy tắc nghẽn khiến tên lửa nổ tung.