Cần 40 năm để đóng nhà máy điện hạt nhân Nhật

14:28, 22/12/2011

Nỗ lực đưa các lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I ở phía đông bắc Nhật Bản tới trạng thái ngừng hoạt động vĩnh viễn có thể kéo dài tới sau năm 2050.

AFP đưa tin hôm qua chính phủ Nhật Bản và công ty điện lực Tokyo (TEPCO) công bố lộ trình đưa các lò phản ứng trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào trạng thái ngừng hoạt động hoàn toàn. Theo lộ trình, quá trình đóng cửa hoàn toàn nhà máy có thể diễn ra trong 4 thập kỷ. Các kỹ sư sẽ cố gắng xử lý an toàn nhiên liệu hạt nhân trong các lò phản ứng trong 10 năm tới. Những công nghệ trong tương lai sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý "dọn dẹp" nhiên liệu hạt nhân đã sử dụng trong các lò.

 

“Chúng tôi sẽ gặp nhiều thách thức về thuật đối với mỗi bước trong quá trình đưa lò phản ứng vào trạng thái ngừng hoạt động vĩnh viễn”, Goshi Hosono, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, phát biểu.

 

Ông Hosono khẳng định chính phủ sẽ chi tiền để thực hiện mọi biện pháp cần thiết đối với nỗ lực vô hiệu hóa các lò phản ứng, đồng thời công bố mọi thông tin liên quan tới quá trình đó – bao gồm cả những kết quả đã đạt được lẫn những vấn đề phát sinh.

 

Một ủy ban chuyên gia của chính phủ Nhật Bản ước tính chi phí tối thiểu dành cho quá trình vô hiệu hóa các lò phản ứng có thể lên tới 14,8 tỷ USD.

 

TEPCO sẽ tiếp tục đổ nước vào các lò phản ứng để làm nguội cho tới khi công nhân lấy hết các mảnh vụn bên trong.

 

Cuối tuần trước Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tuyên bố các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã tiến tới trạng thái ngừng hoạt động nguội (cold shutdown).

 

Một lò phản ứng tiến tới trạng thái ngừng hoạt động nguội khi nước làm nguội nhiên liệu hạt nhân trong lò có áp suất không khí và nhiệt độ dưới 95 độ C. Với nhiệt độ dưới 95 độ C, nước sẽ không sôi ngay cả khi áp suất trong hệ thống làm nguội lò giảm. Trong một số trường hợp người ta sử dụng thuật ngữ "ngừng hoạt động nguội" để miêu tả trạng thái của lò phản ứng sau khi nhiên liệu hạt nhân nóng chảy. Tuy nhiên, giới chuyên gia khẳng định đây là cách sử dụng từ ngữ không chính xác.