Ngày 6-12, tại Hội trường UBND phường Quang Vinh, Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố năm 2011.
Việc triển khai mô hình sản xuất rau an toàn nhằm khuyến cáo và hướng dẫn bà con nông dân quy trình, kỹ thuật trồng rau an toàn để tạo ra những sản phẩm đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất nhưng vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức trồng rau đại trà.
Tổng diện tích thực hiện Mô hình là 11ha tại xã Cao Ngạn, Đồng Bẩm và phường Quang Vinh (những nơi gần nguồn nước sông Cầu, nông dân có trình độ thâm canh cao) với các loại cây trồng là su hào, bắp cải và cà chua. Tham gia mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 40% giá trị phân bón, được tập huấn quy trình kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn. Kết quả so sánh cho thấy, lượng phân bón hóa học được sử dụng trên cùng một đơn vị diện tích trong Mô hình giảm hơn nhiều so với phương thức canh tác truyền thống (33kg so với 40kg/sào); màu lá rau xanh vàng, bền lá, kháng sâu bệnh tốt hơn, qua đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học cần dùng. Về hạch toán kinh tế, 1 sào rau trồng theo mô hình này mang lại thu nhập 12,591 triệu đồng, trong khi cùng một đơn vị diện tích đối chứng chỉ đạt 11,661 triệu đồng.
Với kết quả đạt được, Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai mô hình này trong thời gian tới.
* Sau 1 năm triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ nhân rộng mô hình nuôi thâm canh cá tổng hợp ở một số ao, hồ tại huyện Phú Bình”, ngày 5-12, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức hội thảo để đánh giá hiệu quả của mô hình.
Ao cá thực hiện mô hình tại gia đình anh Nguyễn Văn Hưng, xóm Dẫy, xã Đào Xá
Mô hình do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, nhằm thay đổi tập quán nuôi trồng thuỷ sản, từ tận dụng thức ăn tự nhiên sang thâm canh và bán thâm canh, góp phần tăng thu nhập cho cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản.
Mô hình được triển khai với quy mô 1ha, mật độ thả 2,5 con/ m2, số lượng 25.000 con. 5 hộ gia đình tham gia, trong đó xã Đào Xá 2 hộ, Tân Hoà 2 hộ và thị trấn Hương Sơn 1 hộ. Đây là những hộ có điều kiện đối ứng, có diện tích mặt nước từ 1.000m2 trở lên. Về cơ chế chính sách, các hộ tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 60% giá giống và 40% thức ăn. Các giống cá được nuôi tại mô hình này bao gồm: 60% rô phi, 20% chép, 17% mè trắng , 3% mè hoa.
Qua đánh giá, mục tiêu của Dự án đã đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, cá rô phi đạt 0,5kg/con, cá chép đạt 0,85kg/con, mè trắng đạt 0,7kg/con, mè hoa đạt 1,8kg/con. Như vậy, mặc dù thời vụ thả cá của dự án bị muộn 1,5 tháng so với kế hoạch (do khan hiếm nguồn cá giống vì chịu ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại ), song tỷ lệ cá sống đã đạt 80%, năng suất đạt 12,86 tấn/ha, vượt 80kg so với mục tiêu của dự án. Căn cứ vào giá thị trường hiện nay, qua hoạch toán, 1ha mặt nước người nuôi cá sẽ lãi được khoảng 117 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 4 lần so với cấy lúa.