Hiệu quả mô hình xử lý bụi, nước thải ở Mỏ than Khánh Hoà

08:17, 01/12/2011

Năm 2011, Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hoà (Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc - VINACOMIN) đã đầu tư và áp dụng thành công hai mô hình công nghệ xử lý nước thải và khí bụi tại khu vực khai trường của đơn vị.

Đây là một bước tiến khá quan trọng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường công nghiệp của Công ty. Điều đáng lưu tâm là mô hình này có thể áp dụng rộng rãi trong các hoạt động khai khoáng ngoài ngành than.

 

Là đơn vị có trữ lượng than tương đối lớn, hàng năm Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hoà bóc tách trên 5 triệu m3 đất đá, khai thác khoảng 600 nghìn tấn than thương phẩm, cung cấp cho các hoạt động sản xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Do khai thác, vận chuyển khối lượng than khổng lồ như vậy nên gián tiếp trong quá trình sản xuất sẽ nảy sinh khí bụi và thải ra môi trường một lượng lớn nước khi bơm tháo khô đáy mỏ. Theo báo cáo quan trắc môi trường nước thải những năm trước đây tại Mỏ than Khánh Hoà thì thành phần chất rắn lơ lửng có thời điểm vượt quy định tiêu chuẩn Việt Nam. Để giảm thiểu ô nhiễm, Công ty đã tiến hành xử lý bằng các hệ thống dập bụi cục bộ, rửa xe, bịt bạt trong quá trình vận chuyển, tưới đường vận tải nội bộ, trồng cây xanh tạo hàng rào ngăn bụi phát tán… Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế vì xử lý ô nhiễm môi trường bằng biện pháp thủ công không thể mang lại hiệu quả bền vững.

 

Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng không chỉ với đơn vị mà với cả cộng đồng xung quanh, thực hiện phương châm “phát triển sản xuất phải đi đôi với bảo vệ môi trường”, sau nhiều năm tìm kiếm thông tin, tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia, tháng 9- 2010, Công ty đã quyết định đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải và bụi mỏ (trên diện tích gần 1ha trong khu vực khai trường). Được sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cũng như Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc, sự tư vấn, thẩm định của Sở Tài nguyên- Môi trường Thái Nguyên, tháng 3- 2011 hệ thống xử lý ô nhiễm của Công ty đã hoàn thành và đưa vào chạy thử nghiệm. Công nghệ được áp dụng là thu gom, xử lý nước thải bằng phương pháp lắng lọc kết hợp với keo tụ, xử lý các chất rắn lơ lửng và lưu chứa tại hồ phục vụ tái tuần hoàn để giải quyết ô nhiễm do khí bụi phát sinh trong quá trình sản xuất.

 

Điều đáng quan tâm là hệ thống này đã xử lý được toàn bộ nước thải thu gom trong khai trường mỏ trước khi chảy ra bên ngoài. Theo anh Nguyễn An Ninh, Kỹ thuật viên an toàn, môi trường của Công ty thì ngoài tác dụng xử lý môi trường, hệ thống này còn góp phần thu gom than bùn trong quá trình lắng lọc để tái sản xuất than thương phẩm, tránh thất thoát, làm lợi cho Công ty. Hệ thống này đã được Viện Khoa học Công nghệ Mỏ và Chi cục Môi trường tỉnh xác định lượng nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường.

 

Cùng với đầu tư xử lý nguồn nước thải, năm 2010, được sự quan tâm, tiếp nhận của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh, Ban quản lý các dự án trình diễn thuộc Hợp phần PCDA tại Thái Nguyên đã phối hợp triển khai xây dựng hệ thống phun sương, dập bụi trong khai trường sản xuất của Mỏ, mức đầu tư 5 tỷ đồng (chính thức vận hành tháng 11-2011). Điều đặc biệt là hệ thống này được kết nối trực tiếp với hệ thống xử lý nước thải có sẵn. Công nghệ được áp dụng ở đây là tái sử dụng nước sau xử lý của Mỏ, bơm và xử lý lắng lọc kết hợp với keo tụ sau đó cấp cho hệ thống phun sương, dập bụi của Mỏ, công suất 190 đến 200m3/ngày đêm. Được xây dựng trên diện tích 250m2, tổng chiều dài các tuyến ống là 1.300m, hệ thống này có đủ khả năng dập bụi toàn bộ khu vực sàng tuyển và đường vận chuyển than trong khai trường. Trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị Thu Trang, công nhân trực tiếp sản xuất tại khai trường của Mỏ cho biết: Từ khi áp dụng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đến nay, cơ bản khí thải đã được giảm thiểu. Giờ đây, công nhân tuyển than chỉ cần đeo khẩu trang nhẹ là đã có thể đảm bảo an toàn rồi.

 

Theo đánh giá của Công ty TNHH Một thành viên Than Khánh Hoà thì các mô hình này có đặc tính kỹ thuật vận hành khá thuận lợi, dễ sử dụng, dễ tiếp cận, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng chỉ chiếm 1% tổng đầu tư (khoảng 100 triệu đồng/năm), có thể áp dụng trong ngành khai khoáng và cả các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có phát sinh và phát tán bụi. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Giám đốc Công ty giải thích thêm: Nếu cơ sở sản xuất nào chỉ cần giải quyết vấn đề dập bụi thì có thể sử dụng nguồn nước tự nhiên sẵn có với khối lượng khoảng 200m3/ngày đêm cho diện tích trên 6.500m2.