Mang sản phẩm khoa học tốt nhất đến với nông dân

09:10, 08/12/2011

Kỳ vọng lớn nhất của Trung tâm nghiên cứu lâm nghiệp vùng núi phía Bắc (Đại học Nông lâm Thái Nguyên)  là trở thành địa chỉ tin cậy, người bạn đồng hành của nông dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp…

Đột phá từ công nghệ cấy mô tế bào

 

Chúng tôi được “đặc cách” vào trong Phòng cấy mô tế bào do Trung tâm phối hợp với Viện Khoa học sự sống - Đại học Nông lâm Thái Nguyên thực hiện (tất nhiên là phải tuân thủ quy định vệ sinh, khử khuẩn trước khi vào). Anh Nguyễn Văn Hồng, chuyên viên kỹ thuật Khu công nghệ tế bào thực vật thuộc bộ môn Công nghệ tế bào của Viện Khoa học sự sống giới thiệu: Đây là khu vực đặc biệt, chuyên nghiên cứu sản xuất các giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô và thực hiện công nghệ nhà kính, nhà lưới. Chúng tôi đang nuôi cấy 17 giống cây trồng khác nhau, trong đó chủ yếu là cây ba kích tím, chuối tây, tiêu hồng, các chủng hoa lan cao cấp, các giống rau thuỷ canh... Khu vực này hiện đang được đánh giá là một trong những nơi đảm bảo nhất về duy trì và phát triển giống cây thông qua công nghệ cấy mô. Hiện tượng nhiễm khuẩn là khá phổ biến trong các phòng mô, tác động xấu đến sự sinh trưởng của cây trồng nhưng lại rất ít xảy ra đối với Trung tâm. Và nếu có xảy ra thì cũng được xử lý kịp thời bằng các phương pháp khử khuẩn hữu hiệu. Đây là điều mà không phải phòng cấy mô nào cũng làm được. Theo đánh giá chuyên môn thì việc nhân giống thông qua cấy mô tế bào có nhiều ưu việt hơn so với nhân giống bằng hom, gieo hạt, trồng củ. Công nghệ cấy mô sẽ giúp cây trồng đảm bảo tính di truyền tốt nhất, bộ rễ phát triển nhanh, khoẻ cho năng suất cao, có thể cung cấp số lượng lớn cùng một lúc, góp phần phục vụ tốt quy trình sản xuất hàng hoá… Trong những năm qua, Trung tâm đã rất thành công trong việc áp dụng công nghệ này và chuyển giao hiệu quả vào thực tế sản xuất của người dân trong khu vực.

 

Nhân giống các loại cây dược liệu quý

 

Ngoài những loại cây trồng phổ biến, Trung tâm còn chú trọng nhân giống, chuyển giao một số loài cây dược liệu quý phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng núi phía Bắc như ba kích, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, tam thất… Đặc biệt, cây ba kích tím là cây trồng rất khó nhân giống, nhưng qua nghiên cứu, thực hành, các kỹ sư nông, lâm nghiệp thuộc Trung tâm đã nhân giống thành công và chuyển giao cho nhiều địa phương trên địa bàn. Hiện nay, trên thị trường cũng như trong nhân dân chủ yếu trồng cây ba kích trắng, chất lượng giống rất thấp. Ngay như các địa phương Vân Đồn, Tân Yên, Hoành Bồ, Ba Chẽ (Quảng Ninh), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nơi trồng nhiều loại ba kích nhất cả nước cũng chưa thể nhân giống hiệu quả loại cây dược liệu quý này. Đã có một số đơn vị đến từ Quảng Ninh và nhiều địa phương khác đặt vấn đề với Trung tâm nhằm phối hợp nhân giống cây ba kích tím bằng phương pháp cấy mô. Các cán bộ Trung tâm trên cơ sở nghiên cứu ba kích ở các địa phương trên đã tìm ra giống ba kích chất lượng nhất để trồng khảo nghiệm. Sau 3 năm thực hiện mô hình, hiện cây ba kích tím do Trung tâm nhân giống đã cho năng suất khá cao, khoảng 3kg/khóm, gấp 2 lần năng suất bình thường.

 

Địa chỉ tin cậy của nhà nông

 

Với chức năng nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và cung cấp dịch vụ giống cây trồng, kỹ thuật lâm sinh, công nghệ sinh học…, những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp vùng núi phía Bắc đã thực sự gắn bó với người nông dân, trở thành người bạn đáng tin cậy của bà con. Hiện tại, Trung tâm đang thực hiện hai chương trình lớn gắn kết với người nông dân gồm Quy hoạch giao đất lâm nghiệp cho 2 vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; Chương trình giống cây trồng vật nuôi giai đoạn 2011-2020 cho các tỉnh phía Bắc. Với Thái Nguyên, Trung tâm đã triển khai trồng rừng giống keo tai tượng, xoan tại khu vực Thành phố, diện tích 14,5ha; xây dựng vườn giống đầu dòng cung cấp vật liệu giống, nhân giống bằng phương pháp sinh dưỡng cho các loài cây lâm nghiệp mọc nhanh để trồng rừng nguyên liệu (keo lai, bạch đàn, tre, mai), các loài cây đặc sản (trám, sấu); xây dựng khu phòng khảo nghiệm giống keo, bạch đàn, mácka… rộng 2,5ha. Trong những năm gần đây, mỗi năm, Trung tâm cung cấp cho nông dân trên địa bàn hàng triệu cây giống đảm bảo chất lượng, trong đó gồm cả tập huấn, đào tạo kỹ thuật canh tác cho bà con. Tiếp xúc với anh Nguyễn Tiến Đáp, Trạm trưởng Trạm nghiên cứu thực nghiệp Sơn Dương (Tuyên Quang), đơn vị trực thuộc Trung tâm chúng tôi được biết hiện nay đơn vị này đã liên kết với các hộ dân bản địa trồng 140ha rừng, đồng thời xây dựng các khu rừng giống có thể cung cấp 1,5 triệu cây giống mỗi năm, gồm keo, mỡ, xoan, lát, trám, sẵn sàng phục vụ bà con.

 

Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm tâm sự: Mong muốn mà cũng là kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi chính là mang đến cho người nông dân những sản phẩm khoa học tốt nhất để từ đó giảm bớt khó nhọc trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng cho bà con. Với mong muốn đó, thời gian qua, Trung tâm đã có nhiều chương trình liên kết với người dân, áp dụng thành công nhiều mô hình giống cây nông, lâm nghiệp trong sản xuất và trở thành địa chỉ tin cậy của bà con.