Nhiên liệu từ rác thải

10:12, 28/12/2011

Thành phố Kristianstad ở Thụy Điển đã tạo ra năng lượng từ nhiều loại thành phần nguyên liệu, như vỏ khoai tây, phân bón, dầu ăn đã qua sử dụng, bánh quy cũ và ruột heo.

 

Kristianstad hiện không sử dụng dầu, khí đốt thiên nhiên hoặc than đá để sưởi ấm, ngay cả trong mùa đông lạnh giá.

 

Khát vọng kiêu kỳ

 

Cách đây một thập niên, khi thành phố này cam kết dứt bỏ các loại nhiên liệu thông thường đã được coi là một khát vọng kiêu kỳ, giống như không có người tử vong vì tai nạn giao thông hoặc loại trừ được tình trạng béo phì ở trẻ em.

 

Một nhà máy ở ngoại ô Kristianstad sử dụng phương pháp chế biến sinh học để chuyển những vật nát vụn thành khí sinh học. Khí này được đốt cháy để tạo hơi nóng và điện hoặc được chế biến như một nhiên liệu dùng cho ô tô. Ngoài ra, Kristianstad cũng đốt cháy chất khí tỏa ra từ đống rác thải cũ và ao nước tù, cũng như rác gỗ từ các xí nghiệp sản xuất nguyên vật liệu sàn và từ việc tỉa cây.

 

Kristianstad đã làm thay đổi việc sử dụng năng lượng. Điều đó đã làm giảm đi một nửa số nhiên liệu thông thường và giảm bớt 1/4 lượng khí thải trong thập niên trước. Kỹ sư Lennart Erfors, người quan tâm đến sự chuyển đổi này, nhấn mạnh: “Đó là một nguồn cung cấp năng lượng bảo đảm hơn nhiều. Chúng tôi không muốn mua dầu mỏ từ Trung Đông hoặc Na Uy nữa. Và điều này đã tạo ra việc làm trong khu vực năng lượng”.

 

Theo báo The New York Times (Mỹ), Kristianstad hiện chi khoảng 3,2 triệu USD mỗi năm để sưởi ấm các tòa nhà đô thị. Nếu như thành phố này vẫn dựa vào dầu mỏ và điện, số tiền phải chi ra sẽ là 7 triệu USD. Ô tô, xe buýt, xe tải đều được cung cấp nhiên liệu khí sinh học. Nhờ đó, thành phố này không phải mua khoảng 2 triệu lít diesel hoặc khí đốt mỗi năm.

 

Thêm vào đó, các nhà máy khí sinh học còn thu được tiền bởi vì các nông trại và xí nghiệp phải trả phí để xử lý chất thải của họ. Đồng thời, các nhà máy này còn bán hơi nóng, điện và nhiên liệu ô tô mà họ sản xuất được.

 

Từ cú sốc giá dầu

 

Sự chuyển đổi năng lượng của Kristianstad bắt nguồn từ cú sốc về giá dầu mỏ thập niên 1980, khi thành phố này chỉ có thể sưởi ấm trường học và bệnh viện. Để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, thành phố đã bắt đầu hình thành nên hệ thống đốt nóng ngầm dưới mặt đất.

 

Những hệ thống như vậy sử dụng những lò sưởi trung tâm để đun nóng nước hoặc tạo ra hơi nước để đưa vào mạng lưới. Cách này hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp dùng nồi súp de để sưởi ấm các tòa nhà riêng rẽ vì nó có thể sưởi ấm cả thành phố.

 

Thoạt đầu, Kristianstad dựa vào loại nhiên liệu cũ. Thế nhưng sau khi Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên áp thuế đối với khí thải từ các nhiên liệu cũ vào năm 1991, Kristianstad bắt đầu tìm loại nhiên liệu thay thế.

 

Năm 1993, thành phố sử dụng rác gỗ tại địa phương; đến năm 1999, bắt đầu dựa vào hơi nóng được tạo ra từ nhà máy khí sinh học. Một số tòa nhà ở quá xa không thể kết nối với hệ thống đốt nóng ngầm đã được lắp vào với những lò sưởi cá nhân sử dụng những viên rác gỗ nhỏ xíu. Đốt gỗ dạng này hiệu quả hơn và tạo ra ít lượng khí thải hơn khi đốt những khúc gỗ lớn.

 

Hơn nữa, những nhà quy hoạch thành phố Kristianstad hy vọng rằng đến năm 2020, tổng lượng khí thải ở đây sẽ thấp hơn 40% so với năm 1990. Khi ấy, thành phố sẽ không cần loại nhiên liệu cũ nào và cũng không sản sinh ra khí thải nào nữa.