Phát hiện mộ thân cây ở Thái Nguyên

10:43, 03/12/2011

Lần đầu tiên tại khu vực Việt Bắc, các nhà khảo cổ Việt Nam phát hiện loại di tích quan tài bằng thân cây khoét rỗng có từ cách đây 500 năm.

Quan tài được tìm thấy có độ dài toàn bộ là 2,8 m trong hang đá thuộc bản Ta Ngoải, xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Nó được đẽo từ một thân cây gỗ lớn, đặt trong ngách hẹp có hướng đông tây, ở vị trí cao cách nền hang khoảng 0,8 m.

 

Căn cứ vào những vết gia công để lại, các nhà khảo cổ cho rằng, người xưa đã tách đôi thân cây gỗ theo chiều dọc, tạo thành hai tấm có mặt cắt hình bán nguyệt khá đều nhau. Tiếp đến, họ đẽo phần bên trong của hai tấm gỗ lõm xuống hình lòng máng.

 

Hiện phần nắp trên của quan tài đã bị bật mở, tấm đáy của quan tài, nơi đặt thi thể người chết đã bị thủng lớn theo chiều dọc tấm gỗ, khiến cho xương người và cả đồ tùy táng rơi xuống nền hang.

 

 

 Hai chiếc bát tìm thấy trong quan tài.

 

Các nhà khảo cổ còn tìm thấy ở hai chiếc bát ở gần vị trí mảnh sọ. Theo các nhà khoa học, chiếc bát có niên đại từ thế kỷ 15, thuộc dòng gốm Chu Đậu, Hải Dương.

 

 

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trình Năng Chung, trưởng đoàn khảo sát, đây là lần đầu tiên tìm thấy loại di tích quan tài bằng thân cây, táng trong hang ở khu vực rừng Việt Bắc.

 

"Phát hiện này có giá trị khoa học cao, gợi mở nhiều nhận thức mới về lịch sử, văn hóa vùng Việt Bắc. Còn rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ về chủ nhân ngôi mộ và truyền thông văn hóa, xã hội của khu vực trong lịch sử", ông Chung nói.