Sáng chế máy tuốt lúa đa năng

09:17, 19/12/2011

Vụ mùa vừa qua, sáng chế về chiếc máy tuốt lúa cải tiến của anh Nguyễn Quốc Bảo, xóm Hòa Bình, xã Trung Lương (Định Hóa) được nhiều người chú ý bởi những tính năng ưu việt của nó.

Chiếc máy tuốt lúa đa năng do anh chế tạo đạt hiệu quả công việc cao hơn hẳn so với máy tuốt lúa thủ công, giảm thiểu đáng kể công lao động, đặc biệt là rất phù hợp với điều kiện địa hình ruộng bậc thang ở khu vực miền núi.

 

 

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Quốc Bảo khi anh đang hoàn thiện một số chi tiết của chiếc máy tuốt lúa cải tiến sau vụ gặt đầu tiên chạy thử nghiệm. Trên cơ sở chiếc máy tuốt lúa thủ công quen thuộc, anh Bảo thiết kế thêm một bệ bằng gỗ phía dưới giúp người sử dụng dễ dàng di chuyển máy trên mọi địa hình (kể cả khi nền ruộng ướt và lầy thụt). Động cơ điện được thay thế bằng máy nổ nhỏ chạy xăng gắn với trục quay giúp việc vận hành máy tiện lợi và cơ động hơn. Vỏ máy được che kín bằng các tấm tôn mỏng nhằm giảm thiểu lượng thóc thất thoát ra ngoài. Đặc biệt, chiếc máy cải tiến được trang bị hệ thống sàng thóc tự động gắn trực tiếp với trục quay giúp loại bỏ hết rờm rác, làm sạch thóc trước khi đóng bao đem phơi. Tất các các bộ phận lắp đặt thêm đều được chế tạo bằng các vật đơn giản, dễ tìm, trọng lượng của máy xấp xỉ 60 kg.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Bảo cho biết: Khác với nhiều địa phương khác, người dân Định Hóa vẫn chủ yếu sử dụng máy tuốt thủ công khi thu hoạch lúa. Điều này xuất phát từ đặc trưng địa hình dạng bậc thang, chân ruộng cao, triền dốc và diện tích thửa ruộng nhỏ nên khó sử dụng các loại máy liên hoàn, máy gặt đập liên hợp vào đồng ruộng. Trong khi máy tuốt lúa thủ công rẻ, cơ động nhưng, tốn nhiều thời gian và công lao động… Sinh năm 1982 trong một gia đình thuần nông, quanh năm gắn bó với cây lúa, thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân nên anh Bảo luôn nung nấu ý tưởng cải tiến chiếc máy tuốt lúa quen thuộc để giúp bà con giải phóng sức lao động. Sẵn có kiến thức cơ khí khi học trong Trường Công cơ điện Việt Bắc (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên), anh Bảo đã dành nhiều thời gian tìm hiểu những điểm hạn chế của chiếc máy tuốt lúa thủ công để tìm cách khắc phục. Đầu năm 2011, anh bắt đầu hiện thực hóa những ý tưởng của mình trên bản vẽ. Tiếp đó, anh lại lặn lội gần chục km qua tận xã Thanh Định nhờ xưởng cơ khí của một người quen để gia công các chi tiết máy. Sau nhiều tháng cặm cụi cắt gọt từng chi tiết, nhiều lần tháo lắp và chạy thử, cuối cùng chiếc máy tuốt lúa cải tiết của anh đã ra đời. Buổi trình diễn đầu tiên ngay trên thửa ruộng của gia đình đã thành công vượt cả mong đợi. Trong một buổi sáng, chỉ với 2 người vận hành máy đã tuốt xong gần 4 sào lúa, gấp 1,5 lần so với sử dụng máy cũ, lượng xăng tiêu thụ chưa đầy 2 lít. Thóc tuốt ra được làm sạch rờm rác nên giảm thiểu được thời gian và công phơi, tỷ lệ thất thoát trong quá trình tuốt lúa không đáng kể. Ông Nguyễn Văn Viện, người cùng xóm rất tâm đắc: “Những chiếc máy thông thường được làm bằng gỗ, nặng và cồng kềnh nên chỉ có thể sử dụng ở những chân ruộng khô. Máy mới được cải tiến gọn nhẹ hơn, lại có bệ gỗ ở phía dưới.

 

Theo anh Bảo: Để chế tạo một máy tuốt lúa cải tiến chỉ cần từ 3 tới 5 công lao động, tổng giá thành chỉ khoảng 2 triệu đồng (cao hơn khoảng 500 nghìn so với máy thủ công). Hiện anh Bảo đang điều chỉnh lại một số chi tiết để máy sau khi chạy thử nghiệm như: Thu hẹp lại kích thước lỗ trong hệ thống sàng thóc tự động; lắp thêm một số miếng bảo vệ ở vỏ máy để đảm bảo an toàn lao động và giảm thất thoát lúa; chế tạo thêm bộ phận hứng thóc trực tiếp sau khi tuốt… Sau khi hoàn thiện, đây sẽ là một chiếc máy có nhiều tính năng hữu ích và đặc biệt có ý nghĩa với sản xuất nông nghiệp ở các khu vực vùng cao như Định Hóa. Anh Đạo tâm sự: “Với mong muốn giúp bà con phần nào đỡ vất vả, tôi sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm chế tạo chiếc máy cải tiến với mọi người. Dự định sắp tới, tôi sẽ mở một xưởng cơ khí tại nhà để có điều kiện sản xuất sản phẩm máy tuốt lúa cải tiến phục vụ nhu cầu địa phương”.