Thư viện và giấc mơ số hóa

01:58, 07/12/2011

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc số hóa các loại sách, tài liệu lưu trữ nhằm chia sẻ, cung cấp thông tin tư liệu tới bạn đọc nhanh chóng đang trở nên bức thiết. Các thư viện tại Việt Nam cũng đang triển khai kế hoạch số hóa sách, tài liệu, song công việc này còn không ít khó khăn.

Đa lợi ích

Số hóa là quá trình chuyển đổi thông tin từ những đối tượng thực (văn bản, hình ảnh, bản đồ, băng ghi âm, ghi hình…) sang dạng điện tử hay còn gọi là dạng số để lưu giữ. Việc số hóa tài liệu mang lại rất nhiều lợi ích như cung cấp dịch vụ thông tin không giới hạn về thời gian và không gian; cải thiện chất lượng dịch vụ tin cho những người dùng tin; giảm việc tiếp xúc trực tiếp đến những nguồn tài nguyên quý hiếm…

Hệ thống thư viện Việt Nam bắt đầu thực hiện việc số hóa tài liệu từ những năm cuối thế kỷ XX nhưng khoảng 5 năm trở lại đây mới phát triển mạnh mẽ. Đi tiên phong trong việc hiện đại hóa là Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Ngay từ năm 1998, thư viện này đã số hóa 10 nhan đề sách của ba nước Đông Dương với hơn nửa triệu trang sách tiếng Việt và tiếng Pháp, thậm chí có những cuốn được dịch ra 4 ngôn ngữ là Nôm, Việt, Anh, Pháp giúp độc giả Việt và cả thế giới biết về nền văn hóa ba nước Đông Dương. Năm 2003, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh tiếp tục số hóa toàn văn địa chí Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh và phục vụ mọi đối tượng bạn đọc thông qua cổng thông tin của thư viện. Thư mục này hiện vẫn đang được cập nhật, bổ sung thường xuyên.

Tương tự, Thư viện tỉnh Sơn La đã số hóa được 313 tài liệu là sách chữ Thái cổ với gần 9.000 trang; 24.000 trang tài liệu địa chí để phục vụ bạn đọc. Đặc biệt, Thư viện tổng hợp Thừa Thiên Huế đã số hóa thành công gần 70.000 trang tài liệu Hán Nôm. Phần lớn những tư liệu này được sao chụp trực tiếp từ những văn bản gốc lưu trữ trong các dòng họ, các làng trên địa bàn tỉnh có niên đại từ đời Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh (thời Lê), thời Tây Sơn và các triều đại nhà Nguyễn.

Một vài ví dụ trên cho thấy, số hóa tài liệu thư viện không chỉ giúp cho việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn, phong phú hơn mà còn góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Nhiều vướng mắc

Ai cũng thấy rõ ích lợi của việc số hóa tài liệu, song trên thực tế, công việc tưởng như đơn giản này lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí, đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm và chuyện bản quyền tác giả. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Việc số hóa tài liệu cần tới nguồn kinh phí khá lớn. Chỉ riêng Thư viện Quốc gia trong năm 2011 đã thực hiện dự án số hóa với kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Để có thể đưa tài liệu lên mạng internet, Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng… Cũng theo bà Mai, kinh phí thực hiện số hóa hiện nay phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước và nguồn tài trợ của nước ngoài chứ bản thân các thư viện không đủ khả năng thực hiện. Trong khi đó, Thư viện Quốc gia có vốn tài liệu hơn 1 triệu đầu sách được Nhà nước đầu tư khoảng 11 tỷ đồng, mỗi thư viện cấp tỉnh được khoảng 1,8 tỷ đồng/năm để hoạt động, song nguồn ngân sách này ngày càng bị cắt giảm để ưu tiên cho những yêu cầu cấp bách khác. Đáng nói hơn, hiện cả nước có 9 thư viện tỉnh được cấp kinh phí cho hoạt động số hóa thì chỉ có 3 thư viện được cấp trên 100 triệu đồng/năm, còn lại là 50 triệu đồng/năm.

Ngoài kinh phí, các thư viện còn gặp thách thức lớn về chất lượng nhân lực khi họ phải chuyển đổi từ môi trường thư viện truyền thống sang môi trường thư viện internet. Nếu như trong thư viện truyền thống, cán bộ thư viện được biết đến như là người trông coi sách, có nhiệm vụ giữ sách và cho mượn sách thì trong thời đại thư viện số, họ vừa phải thu thập tài liệu, thông tin, xử lý kỹ thuật tài liệu, làm phân loại, biên mục, vừa phải là chuyên gia số, thường xuyên tương tác với người đọc để nắm bắt nhu cầu thay đổi của họ. Thế nhưng, kết quả khảo sát sơ bộ đội ngũ cán bộ tại các thư viện lớn trong nước cho thấy, đại đa số chưa đủ khả năng, năng lực phục vụ thư viện số.

Chưa hết, việc số hóa kho tài liệu còn gặp khó khăn nữa là vấn đề bản quyền tác giả. Ông Nguyễn Huy Chương, Giám đốc Thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: Mới đây Hãng Google đã phải xin lỗi các nhà văn Trung Quốc vì tự ý số hóa tác phẩm của họ. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có chủ trương, chính sách cụ thể nào về vấn đề bản quyền. Hiện nay, rất ít tác giả tự nguyện tặng sách để phục vụ công tác số hóa. Một vài người còn chia sẻ thẳng thắn rằng, họ không thích số hóa mà chỉ muốn giữ sách để xuất bản và tái bản vì sinh kế.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm "số hóa", ông Vĩnh Quốc Bảo, Trưởng phòng Tin học Thư viện Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Xây dựng thư viện số không khó nếu vấn đề bản quyền được thương thảo. Từ đó, ông Bảo kiến nghị Nhà nước cần có chính sách về bản quyền cho công tác số hóa. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Mai đưa ra giải pháp các thư viện có thể kết nối với Thư viện Quốc gia, Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia để tăng cường nguồn lực số hóa. Về lâu dài, theo bà Mai cần xây dựng một số trung tâm số hóa theo vùng và theo lĩnh vực.

Ngành thư viện đặt ra mục tiêu đến năm 2015, các thư viện tuyến tỉnh phải có 50-70% tài liệu quý hiếm được số hóa; đến năm 2020, 100% thư viện tuyến huyện được tin học hóa. Hy vọng, mục tiêu trên sẽ đạt được để bạn đọc có cơ hội tiếp cận với nguồn thông tin, tri thức đa dạng, phong phú.