Phát hiện dấu hiệu cổ sóng thần ở Nghệ An

08:28, 01/02/2012

Viện Vật lý địa cầu - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện một số công trình nghiên cứu khoa học về cổ sóng thần tại Việt Nam và bước đầu nhận định từ hàng ngàn năm trước có thể đã xuất hiện sóng thần ở khu vực Nghệ An ngày nay.

Tại khu vực ven biển Nghệ An tồn tại những bất thường về địa chất, đặc biệt là việc xuất hiện các bãi sò có chứa cồn điệp chứa vỏ sò ốc. Một số điều tra mới đây nhất cho thấy có thể đã xuất hiện 3 trận sóng thần từng xảy ra vào các khoảng thời gian: 4.500 - 4.300; 4.100- 3.900 và 900- 600 năm trước.

 

 PGS.TS Cao Đình Triều - Viện Vật lý địa cầu cho biết: Các nhà khoa học thuộc Viện đã tìm hiểu và phát hiện một số cồn điệp và bãi sò ở xã Quỳnh Văn, Nghi Tiến và thị trấn Diễn Châu. Dưới các doi cát ven biển như ở Nghi Yên cho một khoảng tuổi 4.500- 4.300 năm và không thể giải thích sự hình thành các bãi sò cồn điệp này là do người cổ ăn và chất vỏ thành đống, hoặc do vận động kiến tạo.

 

Những phát hiện và nghiên cứu ban đầu về cổ sóng thần tại Nghệ An có thể rút ra một số khả năng và cấp độ thiên tai động đất sóng thần có thể xảy ra tại Việt Nam.

 

PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, trong trường hợp động đất lớn nhất xảy ra tại đới hút chìm Manila (Philippines), với cấp 9 độ richter, có thể gây sóng thần tối đa tới bờ biển Nghệ An có độ cao tối đa 7 m. Đối với vùng nguồn là đới đứt gãy Baram, va với động đất 8 độ richter, sóng thần có thể ập tới bờ biển Nghệ An với độ cao chỉ trên 1 m. Nếu xảy ra động đất có cấp 7,5 độ richter ngoài khơi Bắc Trung Bộ dọc đứt gãy sông Cả sẽ có sóng thần đạt tới 10 m tại bờ biển thị trấn Diễn Châu.

 

Cổ sóng thần là một định hướng nghiên cứu còn mới mẻ ở Việt Nam được khởi đầu từ năm 2005 bằng những chuyến khảo sát vết tích cổ sóng thần giữa các nhà khoa học Viện Vật lý địa cầu và các chuyên gia Viện Vật lý trái đất thuộc Liên Bang Nga. Từ đó đến nay đã có một số công trình công bố những kết quả bước đầu ghi nhận về khả năng xuất hiện sóng thần cổ dọc dải ven biển và hải đảo Việt Nam.