Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất khoai tây

09:41, 22/02/2012

Khi được chọn là một trong 6 địa phương tham gia vào dự án nhân rộng mô hình trồng cây khoai tây vụ đông, chúng tôi đã triển khai quy mô 8ha tới 145 hộ thuộc 3 xóm Dương, Ba Xã và Ruộng của xã Đắc Sơn tham gia. Kết quả cho thấy đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thị Chín, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên.

Dự án "Ứng dụng KHCN sản xuất cây khoai tây vụ đông năm 2011"  thuộc 12 mô hình nhân rộng chuyển giao KH & CN do Sở KH & CN tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong năm 2011 nhằm góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vụ đông, thâm canh tăng vụ, tạo ra sản phẩm hàng hoá. Quy mô của dự án là triển khai 6 mô hình sản xuất khoai tây vụ đông với diện tích 50 ha tại các huyện Đồng Hỷ, Phổ Yên, Định Hóa, Phú Bình, Đại Từ và Thị xã Sông Công. Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Chín thì: cây khoai tây phù hợp với chất đất pha cát, thịt nhẹ, do vậy có thể triển khai thực hiện được ở hầu hết các xã trong huyện.

 

Khi tham gia dự án, Trạm Khuyến nông đã phối hợp với Viện nghiên cứu và phát triển cây có củ (Viện cây lương thực và cây thực phẩm) tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và cung ứng giống, vật tư phân bón cho nông dân. Cây khoai tây có nhiều đặc tính tốt đó là thời gian gian sinh trưởng ngắn, từ trồng đến thu hoạch 85-90 ngày. Củ có dạng tròn, cỡ lớn, vỏ màu vàng, ruột vàng đậm, mắt nông, chất lượng thơm ngon nên rất được người dân ưa chuộng. Đặc biệt là cây sinh trưởng mạnh từ giai đoạn sau khi chăm sóc lần 1 (sau trồng 33 ngày đã hình thành củ). Mật độ gốc/sào 1.450. Khối lượng củ bình quân trên khóm đạt 0,65kg; năng suất trung bình đạt 600kg/sào, tỷ lệ củ thương phẩm đạt 87%. Sau khi thu hoạch, Trạm Khuyến nông Phổ Yên đã tiến hành hạch toán kinh tế và so sánh đối chiếu giữa cây khoai tây và cây ngô trong vụ đông cho thấy: cây khoai tây có giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cao (lãi thuần là trên 3.048 nghìn đồng/sào/vụ, tương đương 85 triệu đồng/ha). Đối chiếu với cây ngô thu nhập thấp hơn (lãi thuần trên 263 nghìn đồng/sào/vụ, tương đương 7,5 triệu đồng/ha). Mặt khác, cây khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây ngô từ 25 - 30 ngày nên có thể tranh thủ được thời vụ.

 

Trao đổi với một số hộ dân tham gia dự án chúng tôi được biết tuy mức đầu tư ban đầu về giống khoai tây cao hơn so với cây ngô và các cây trồng khác (giá giống khoai tây 19.500 đồng/kg, ngô 50.000 đồng/kg), nhưng đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất trong các loại cây trồng vụ đông trên địa bàn nhiều xã. Giống khoai tây mà các hộ trồng theo dự án là giống Sinora, được Viện nghiên cứu và phát triển cây có củ nghiên cứu chọn tạo từ tập đoàn khoai tây Hà Lan. Giống cây này đã được Viện nghiên cứu và phát triển cây có củ phối hợp với Sở KH & CN tỉnh triển khai trồng thử nghiệm trong 2 vụ đông năm 2009, 2010 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh được đánh giá là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả cao.

 

Để tiến hành trồng khoai tây, ngay sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, các hộ tập trung xuống giống cuối tháng 10-2011. Do thời gian sinh trưởng ngắn nên không ảnh hưởng tới cây trồng của vụ sau. Đặc biệt cây khoai tây sau khi thu hoạch thân có thể ủ làm phân bón rất tốt cho vụ lúa xuân sau đó. Từ hiệu quả thực tế mang lại, rất nhiều hộ dân sau khi tham gia dự án đều khẳng định nếu năm sau không có dự án hỗ trợ thì họ vẫn tiếp tục lựa chọn khoai tây là cây trồng trong vụ đông. Và thực tế tại huyện Đại Từ, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện năm 2012 không chỉ nhân rộng mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm ở một số xã mà sẽ tổ chức sản xuất khoai tây giống tại địa bàn xã Hùng Sơn và Bản Ngoại.

 

Từ mô hình nhân rộng trồng thâm canh cây khoai tây vụ đông năm 2011 trên địa bàn một số địa phương trong tỉnh cho thấy đây là loại cây trồng phù hợp, thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch ngắn, năng suất, chất lượng cao, trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.