Vệ tinh Đức suýt rơi xuống Bắc Kinh

09:43, 03/02/2012

Vào tháng 10 năm ngoái, vệ tinh nghiên cứu ROSAT của Đức lao xuống vịnh Bengal. Nếu thời điểm rơi của ROSAT lùi lại vài phút, có lẽ nó đã rơi xuống thủ đô Bắc Kinh đông đúc của Trung Quốc.

1/6/1990 là ngày đáng tự hào đối với người dân Đức, bởi hôm ấy ROSAT được phóng lên quỹ đạo từ mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ. Nó sở hữu những thiết bị tối tân nhất thời bấy đó, cho phép các nhà khoa học tìm kiếm tia X trong vũ trụ. Trước khi ROSAT được phóng, mọi vệ tinh nhân tạo và tàu vũ trụ đều không thể tìm kiếm tia X trong không gian.

ROSAT đã đền đáp xứng đáng sự mong đợi của con người. Thời gian hoạt động dự kiến của nó là 18 tháng, nhưng cuối cùng nó đã thu thập dữ liệu trong gần 9 năm. Vệ tinh phát hiện hàng chục nghìn nguồn phát tia X, bao gồm nhiều thiên hà và hố đen xa xôi.

Mặc dù vậy, ROSAT suýt gây nên một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử thám hiểm không gian. Từ tối 22 tới 23/10 năm ngoái, nó rơi xuống trái đất và suýt đáp xuống Bắc Kinh, thành phố có 20 triệu dân. Theo những tính toán của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), các mảnh vỡ của vệ tinh lao xuống với vận tốc khoảng 450 km/h, Spiegel cho biết.
 

“Thời gian ROSAT bay một vòng quanh trái đất là 90 phút. Bắc Kinh nằm ngay bên dưới quỹ đạo của ROSAT khi nó bay quanh trái đất lần cuối. Xác suất vệ tinh lao xuống Bắc Kinh là rất cao”, Heiner Klinkrad, trưởng nhóm theo dõi rác vũ trụ của ESA, phát biểu.

 

 

Một nhóm chuyên gia của ESA theo dõi ROSAT từ khi nó ngừng hoạt động vào năm 1999. Sau khi ROSAT “chết”, con người không thể điều khiển nó nữa. Độ cao của nó giảm dần theo thời gian.

 

Nếu ROSAT rơi xuống Bắc Kinh, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, bởi khối lượng của nó là 2,5 tấn. Thông thường, khoảng 20 tới 40% vật chất của vệ tinh nhân tạo chạm đất sau khi chúng lao vào bầu khí quyển địa cầu. Phần còn lại bốc cháy hoàn toàn do cọ xát với không khí.

 

“Nhưng chúng tôi biết rằng, với ROSAT, khoảng 60% vật chất sẽ chạm đất vì nó được tạo nên bởi những bộ phận rất nặng và bền”, Klinkrad nói.

 

Một số bộ phận của ROSAT có thể tạo nên những hố lớn trong thành phố, phá hủy các tòa nhà và gây thương vong cho người. Quan hệ Đức-Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi vụ rơi của ROSAT. Ngoài ra Đức còn phải bồi thường những thiệt hại mà vệ tinh của họ gây nên tại Bắc Kinh theo quy định của một hiệp ước quốc tế.

 

“Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy, nếu ROSAT rơi chậm hơn từ 7 tới 10 phút, nó sẽ lao xuống Bắc Kinh”, Klinkrad tiết lộ. May thay điều đó đã không xảy ra.