Hiệu quả từ các chương trình, dự án khuyến nông

14:25, 23/03/2012

Vừa nhanh tay vãi phân cho đám ruộng trước mặt, bà Trần Thị Gái, xóm Đô, xã Nhã Lộng (Phú Bình) vừa nói với chúng tôi: Đám ruộng này gia đình tôi gieo sạ đấy. Năm nay, nhờ có cán bộ khuyến nông xã khuyến cáo nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân khác trong xã cũng gieo sạ lúa.

Không chỉ ở xã Nhã Lộng mà nhiều xã khác của huyện Phú Bình, người dân đã tích cực áp dụng phương pháp gieo sạ lúa. Vụ xuân năm nay, huyện có trên 400ha lúa gieo sạ, cao hơn khoảng 15-20% so với vụ xuân năm ngoái. Kết quả này cho thấy những ảnh hưởng tích cực của Dự án phát triển sản xuất lúa gieo thẳng mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang triển khai trên địa bàn huyện.

 

Được biết, ngoài Phú Bình, Dự án này còn đang được triển khai tại T.P Thái Nguyên. Mục đích của Dự án là giúp người dân tiếp cận và đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất cây trồng… Riêng vụ xuân năm nay, Dự án đã xây dựng được hơn 30 ha sạ lúa gieo thẳng. Qua khảo nghiệm cho thấy sử dụng phương pháp gieo sạ lúa góp phần giảm chi phí sản xuất so với phương thức sản xuất cũ khá lớn, nhất là ngày công lao động, giảm khoảng 60 công/ha so với biện pháp cấy, giảm gần 30% lượng giống, rút ngăn thời gian sinh trưởng của lúa từ 7 đến 10 ngày, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị thu nhập trên đất sản xuất... Ngoài Dự án phát triển sản xuất lúa gieo thẳng, mô hình cải tạo đàn bò theo hướng phát triển đàn bò thịt, quy mô 120 con với sự tham gia của 100 hộ dân ở T.X Sông Công mà Trung tâm triển khai từ đầu năm 2011 đến nay cũng thu được những kết quả khả quan. Mặc dù mới triển khai được hơn 1 năm nay nhưng số bê sinh ra và sinh trưởng, phát triển tốt đạt hơn 95%, tỷ lệ tăng đàn nhanh. Từ 3 xã, phường ban đầu tham gia dự án đến nay đã có thêm một số hộ dân của T.X Sông Công và huyện Phổ Yên tự học tập, mở rộng, phát triển quy mô đàn bò thịt, có khả năng phát triển thành vùng chăn nuôi, cung cấp bò thương phẩm với số lượng lớn. Ngoài những mô hình này, các mô hình khác như: chăn nuôi lợn nái sinh sản, thâm canh cây mây nếp, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, trồng rừng cây nguyên liệu thâm canh... cũng phát huy hiệu quả, được đông đảo nông dân, nhất là bà con ở khu vực miền núi vùng cao nhiệt tình hưởng ứng, từng bước áp dụng vào phát triển sản xuất kinh tế hộ.

 

Những mô hình, dự án vừa kể trên chỉ là số ít trong 13 chương trình, dự án mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang tập trung triển khai tại các huyện, thành, thị trên địa bàn với tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án hơn 3,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Các mô hình khuyến nông tuy có mức đầu tư ban đầu thấp, triển khai trong thời gian ngắn, chỉ từ 1 đến 3 năm cho mỗi chương trình, dự án nhưng đã đem lại hiệu quả rõ rệt kinh tế rõ rệt, góp phần đáng kể vào việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người nông dân.

 

Để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, ngoài việc tiếp tục mở rộng các chương trình, dự án khuyến nông mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình sản xuất mới như: thâm canh thanh long, chăn nuôi gà an toàn sinh học, sản xuất khoai tây giống, sản xuất rau mầm...; đồng thời kiện toàn đội ngũ cán bộ cán bộ làm công tác khuyến nông, đề xuất cơ chế với tỉnh để xây dựng ở mỗi cụm xã một tổ khuyến nông chuyên trách hỗ trợ người dân địa phương thực hiện thành công xoá đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.