Trái đất bị thiên thạch đâm năm 2040?

09:05, 01/03/2012

Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) đã xác định một thiên thạch dài khoảng 140m có thể va chạm với Trái đất của chúng ta vào ngày 5/2/2040.

Thiên thạch 2011 AG5 đã được theo dõi bởi nhóm nghiên cứu của Liên hợp quốc về các vật thể gần Trái đất (NEOs) từ sau khi được phát hiện vào năm 2011. Các chuyên gia NEOs dự đoán xác xuất thiên thạch này va chạm với Trái đất vào ngày ngày 5/2/2040 là 1/625.

 

Nếu thiên thạch 2011 AG5 đâm vào một thành phố trên Trái đất, nó có thể giết chết hàng triệu người, nhưng loài người sẽ không bị diệt vong. Thiên thạch từng làm khủng long biến mất trên Trái đất cách đây 65 triệu năm dài hơn 14 km, trong khi, thiên thạch 2011 AG5 chỉ dài khoảng 140 m.

 

Hiện tại, các nhà khoa học chưa thể biết chính xác kích thước của 2011 AG5, do mới chỉ quan sát được một nửa quỹ đạo của nó. Nhưng từ năm 2013 đến 2016, các nhà khoa học có thể quan sát thiên thạch này từ mặt đất và đưa ra những đánh giá chi tiết hơn.

 

Năm 2023, thiên thạch 2011 AG5 sẽ đi vào vùng 'lỗ khóa' của Trái đất - nằm cách Trái đất khoảng 2,99 triệu km. Đây là khu vực mà các vật thể đi qua có thể bị thay đổi quỹ đạo do ảnh hưởng của trọng lực. Vì thế, các nhà khoa học đang tính toán để làm thay đổi hướng bay của thiên thạch khi nó bay vào khu vực 'lỗ khóa'.

 

NASA đã đưa ra kế hoạch gắn một tàu vũ trụ trên thiên thạch và sử dụng trọng lực do tàu vũ trụ sinh ra để lái nó chệch khỏi hướng đâm vào Trái đất. Một lựa chọn khác là gửi tàu vũ trụ đâm thẳng vào thiên thạch để tạo ra hiệu quả tương tự. Vũ khí hạt nhận cũng đã được thảo luận, nhưng điều này có thể tạo ra một cơn mưa thiên thạch.

 

Theo số liệu thống kê của NASA, có khoảng 19.000 thiên thạch có kích thước từ 100-1.000m đang bay trong khu vực cách Trái đất 193 triệu km. Những thiên thạch này có thể phá hủy một khu vực rộng bằng thành phố khi đâm vào Trái đất.