Công bố 10 kỷ lục Việt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

08:01, 25/04/2012

Ngày 24/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức công bố xác lập 10 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Ngày 24/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức công bố xác lập 10 kỷ lục Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

 

 

Trong 10 kỷ lục có 2 cá nhân được công nhận. Đó là phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thị Trâm là nhà khoa học chuyển nhượng giống cây trồng có giá trị cao nhất. Năm 2008 bà chuyển nhượng giống lúa lai TH3-4 với giá 700 triệu đồng cho Công ty Cổ phần giống cây trồng Trung ương và giống lúa TH3-3 với giá 10 tỷ đồng cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Cường Tân (Nam Trực, Nam Định).

 

Người thứ hai là ông Bùi Văn Ngọ (sinh năm 1931 tại Thành phố Hồ Chí Minh) là tác giả đăng ký quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật tạo hình nhiều nhất. Từ năm 1984 đến nay ông đã vẽ khoảng 1.000 bức tranh và được cấp 499 Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả theo thể loại mỹ thuật tạo hình.

 

Bên cạnh đó, 3 địa phương lần đầu tiên được cấp Giấy chứng nhận GI’s (chỉ dẫn địa lý) tại Việt Nam cũng được công nhận kỷ lục sở hữu trí tuệ. Đó là, Kiên Giang - địa phương được cấp Giấy chứng nhận GI’s đầu tiên tại Việt Nam với nghề làm nước mắm của người dân Phú Quốc; Bình Thuận - địa phương đầu tiên được cấp 2 Giấy chứng nhận GI’s tại Việt Nam (tỉnh đã đăng ký Đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa “Phan Thiết” và đăng ký Đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa “Bình Thuận” cho sản phẩm quả thanh long; Đăk Lắk - địa phương đầu tiên có sản phẩm cà phê được cấp Giấy chứng nhận GI’s.

 

Ngoài ra, trong dịp này còn có 5 đơn vị cũng được công nhận với các nội dung: Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt - đơn vị có phần mềm từ điển điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam; Công ty Cổ phần dịch vụ Phú Nhuận - đơn vị đăng ký bản quyển tác phẩm âm nhạc dưới hình thức karaoke nhiều nhất; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát - đơn vị sở hữu nhiều nhãn hiệu nước giải khát nhất (đến nay Tân Hiệp Phát đã đăng ký nhãn hiệu cho 73 loại sản phẩm nước uống, trong đó nhãn hiệu nước giải khát chiếm 90%); Công ty trách nhiệm hữu hạn Ứng dụng Bản đồ Việt - đơn vị có phần mềm định vị dẫn đường được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực giao thông.

 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, lần công bố đầu tiên này Cục Sở hữu trí tuệ tập trung vinh danh những địa phương có chỉ dẫn địa lý (GI’s - dấu hiệu chỉ sản phẩm xuất phát từ một vùng, một khu vực, quốc gia mà sản phẩm đấy có tính chất đặc thù rất nổi trội so với sản phẩm cùng loại). Cục Sở hữu trí tuệ muốn truyền tải thông điệp, những sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý là sản phẩm của Việt Nam, độc quyền của Việt Nam và các hãng nước ngoài khi có ý định làm hàng giả, hàng nhái sẽ vấp phải sự phản đối. Thông qua đó, mọi người sẽ biết, Việt Nam mới là nước duy nhất có địa danh đó và sản phẩm đó chỉ ở Việt Nam mới có những đặc trưng về chất lượng./.