Có hàng tỷ hành tinh có khả năng tồn tại sự sống trong dải Ngân hà, theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế. Phát hiện này mở ra triển vọng tìm thấy sự sống gần Trái đất.
Kết luận đưa ra sau khi các nhà thiên văn tiến hành nghiên cứu hàng loạt sao lùn đỏ (Red Dwarf). Theo đó, 40% những ngôi sao này được quay quanh bởi những hành tinh cấu tạo vật chất, kích cỡ ngang bằng Trái đất. Điều này cho thấy khả năng tồn tại nước trên các hành tinh đó.
Sao lùn đỏ là dạng sao có khả năng tỏa nhiệt giống Mặt trời chúng ta, nhưng nguội hơn và tồn tại lâu hơn. Các nhà thiên văn học dự đoán chúng chiếm đến 80% số ngôi sao trong dải Ngân hà.
Tiến sĩ Xavier Bonfils, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trên Telegraph: “Các ngôi sao lùn đỏ rất phổ biến trong dải Ngân hà của chúng ta – với số lượng khoảng 160 tỷ ngôi sao. Điều này đồng nghĩa sẽ có khoảng hàng chục tỷ hành tinh quay quanh những ngôi sao này trong dải Ngân hà.”
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 102 sao lùn đỏ được lựa chọn cẩn thận. Kết quả, họ phát hiện 9 ‘siêu Trái đất’. Trong đó, 2 hành tinh nằm trong vùng có thể tồn tại sự sống của ngôi sao Gliese 581 và Gliese 667 C.
Do những ngôi sao lùn đỏ có nhiệt độ thấp hơn Mặt trời, nên những hành tinh muốn có điều kiện giống như Trái đất, nghĩa là có thể có nước, cần có quỹ đạo quay thật gần các ngôi sao lùn đỏ.
Tiến sĩ Stephane Udry, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Vùng có thể tồn tại sự sống quanh một ngôi sao lùn đỏ có khoảng cách gần ngôi sao chủ hơn so với khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời.”
Theo tiến sĩ Xavier Bonfils, ít nhất có khoảng 100 hành tinh giống Trái đất đang nằm ở khu vực láng giềng với Hệ mặt trời (cách Hệ mặt trời trong phạm vi 30 năm ánh sáng).