Nghiên cứu, ứng dụng đề tài trong điều trị

09:39, 25/04/2012

Hưởng ứng phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tiết kiệm, mỗi năm các thầy thuốc Bệnh viện C đăng ký thực hiện từ 15-20 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong số đó có nhiều đề tài, sáng kiến được nghiệm thu đã phát huy kết quả trong điều trị và chăm sóc người bệnh, nâng cao chất lượng, uy tín của Bệnh viện. Nhờ đó số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị luôn đạt trên 150% chỉ tiêu giao.

Tiêu biểu là đề tài Đánh giá kết quả điều trị gẫy kín liên mấu chuyển xương đùi - cổ xương đùi bằng nẹp DHS tại Bệnh viện C Thái Nguyên, do Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Nghĩa (Khoa Ngoại chấn thương) thực hiện năm 2011 được Bệnh viện đánh giá là một trong những đề tài có tính ứng dụng cao. Anh Nghĩa cho biết: Gẫy xương cổ đùi thường gặp ở người lớn tuổi do chấn thương (có yếu tố do loãng xương). Để thay khớp háng tốn nhiều kinh phí và người bệnh phải chuyển lên tuyến trên, còn dùng nẹp DHS (Dynomic Hip Serew) chi phí phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Dùng nẹp có tác dụng cố định vững chắc ổ gẫy, luôn tạo ra lực nén ép động, đặc biệt trong lúc mổ nhờ hệ thống xoay trượt giữa ổ vít cổ - thân và đầu trên của nẹp, bệnh nhân có thể đứng dậy và đi lại sớm, thúc đẩy quá trính liền xương nhanh hơn...

 

Ngoài ra, còn các đề tài có tính ứng dụng cao, đang được các thầy thuốc áp dụng như: Phẫu thuật tạo hình khuyết sọ bằng lưới Titanium; đánh giá kết quả điều trị viêm ruột thừa bằng nội soi; nghiên cứu chẩn đoán và điều trị bệnh lý tụ má dưới màng cứng mạn tính; nghiên cứu một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả phát triển ung thư vú; nghiên cứu một số yếu tố liên nguy cơ với bệnh lý mạch vành; đánh giá hiệu quả gây tê ngoài màng cứng giảm đau trong chuyển dạ...

 

Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy, Trưởng khoa Ngoại chấn thương cho biết: Khoa có 5 bác sĩ, mỗi bác sĩ được giao thực hiện ít nhất 1 đề tài khoa học cấp cơ sở trong 1 năm. Qua thực hiện đề tài, bản thân mỗi người sẽ tự bổ sung kiến thức cho mình thông qua việc thu thập tài liệu, thông tin, xử lý số liệu... Hàng tháng, Khoa tổ chức sinh hoạt để rút kinh nghiệm những việc làm được, chưa làm được; cùng nhau trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến cho các thành viên trong thực hiện đề tài. Khoa thực hiện phương châm giao đề tài cho cá nhân chịu trách nhiệm, nhưng trong khi triển khai có các cộng sự giúp đỡ, do đó, hiệu quả đề tài cũng như tính thực tiễn sẽ cao hơn...

 

Bên cạnh các đề tài tham gia vào công tác điều trị, còn có các đề tài khối cận lâm sàng, điều dưỡng... giúp ích rất nhiều cho công tác chẩn đoán, hỗ trợ điều trị, như đề tài Đánh giá kết quả siêu âm trong chẩn đoán bệnh lý viêm ruột thừa cấp; nghiên cứu rối loạn lipid máu ở các bệnh nhân điều trị nội trú; đánh giá kỹ thuật chăm sóc người bệnh; chăm sóc thai phụ tiền sản giật... Nói về phong trào lao động sáng tạo ở Bệnh viện, anh Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nâng cao y đức, chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức thông qua phong trào tự học tự rèn, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tiết kiệm, Công đoàn Bệnh viện đã chủ động phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, tiết kiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

 

Ngay từ đầu năm, Bệnh viện tổ chức cho cán bộ, viên chức đăng ký đề tài, sáng kiến, cuối năm mở hội nghị đánh giá, phân loại, khen thưởng. Chỉ tính 5 năm trở lại đây, Bệnh viện đã nghiệm thu được 75 đề tài, trong đó có 12 đề tài xếp loại xuất sắc, 38 đề tài loại khá, 15 đề tài trung bình. Nhiều đề tài nghiên cứu công phu từ 2-3 năm được đánh giá cao, đưa vào ứng dụng hiệu quả trong điều trị, cứu sống người bệnh, làm giảm đau đớn và thời gian nằm viện của bệnh nhân. Trên thực tế, để các cán bộ, viên chức có kiến thức, điều kiện thực hiện các đề tài nghiên cứu, Bệnh viện đã tạo điều kiện để các thầy thuốc tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về chuyên môn. Bệnh viện xây dựng cơ chế khuyến khích học tập như: cấp kinh phí học kỹ thuật mới, hỗ trợ chi phí ăn ở, thực hiện khen thưởng đối với cán bộ đi học như cán bộ làm việc tại Bệnh viện... Mời các giáo sư đầu ngành trong nước về tập huấn, hội chẩn, phẫu thuật... để cán bộ viên chức học hỏi...

 

Nhờ làm tốt công tác nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, y bác sĩ và tích cực áp dụng những phương pháp mới trong điều trị, cùng sự cố gắng, nỗ lực của mỗi cán bộ, đến nay, Bệnh viện đã triển khai được một số kỹ thuật đi đầu trong tỉnh cũng như khu vực phía Bắc như phẫu thuật u sọ não bằng dao Gamma Bệnh viện đang trình Bộ Y tế cho phép mở rộng sang làm toàn thân; phẫu thuật tạo hình khuyết sọ bằng lưới Titanium... Tin rằng, việc nâng cao chuyên môn nghiệp vụ không tách rời đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện C sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và tạo uy tín, sự phát triển bền vững của đơn vị.