Giúp người dân có chiếc “cần câu”

08:32, 09/05/2012

Hiểu nông dân cần gì, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã có những đóng góp nhất định trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của Sông Công.

Mới được 6 tháng tuổi, nhưng con nghé lai giống trâu Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ của gia đình ông Phạm Ngọc Đĩnh, xóm Long Vân, xã Bình Sơn đã thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội so với trâu nội. Ông Phạm Ngọc Đĩnh cho biết: 2 con trâu cái nội của gia đình tôi đã được kỹ thuật viên của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông lạnh giống trâu Murrah và đã sinh được 2 con nghé con.

 

Qua quan sát và so sánh với quá trình nuôi trâu nội, tôi thấy, cùng 1 chế độ chăm sóc và điều kiện thời tiết như nhau nhưng con trâu lai ít mắc bệnh hơn, cho tỉ lệ thịt nhiều hơn, sức kéo khỏe hơn. Gia đình tôi đã bán một con trâu lai 7 tháng tuổi vào đầu năm 2012 với giá 16 triệu đồng, nhiều hơn khoảng 6 triệu đồng so với bán trâu nội cùng tuổi. Với chi phí chỉ 200 nghìn đồng một lần dẫn tinh cho trâu cái nội, gia đình ông Đĩnh là một trong số hơn 100 gia đình nông dân ở 4 xã của T.X Sông Công mạnh dạn dùng phương pháp này để nhân đàn trâu.

 

Trên thực tế, ứng dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, trâu cái dễ sinh được nghé con F1 và chi phí thấp hơn nhiều so với nuôi trâu đực để phối giống. Hiện tại, với 2 con trâu đực giống Murrah, Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi ưu tiên dẫn tinh cho trâu cái nội tại 4 xã đang xây dựng nông thôn mới của thị xã và đã sinh được 27 con trâu lai F1, hiệu quả bước đầu rất khả quan trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nông hộ.

 

Bên cạnh việc giúp người dân tăng thu nhập từ đàn trâu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi cũng đã nghiên cứu giống cỏ Brizaitha phù hợp với nhu cầu trồng cỏ chăn nuôi trên 4 nghìn con trâu, bò của thị xã và chuyển giao cho nông dân từ năm 2011. Giống cỏ này có ưu điểm là có thể trồng được cả những nơi đất xấu, cằn cỗi, đặc biệt là vẫn phát triển tốt trong thời tiết rét, sương muối của mùa đông, mùa thường thiếu cỏ cho trâu, bò. Mỗi năm, Trung tâm chuyển giao trung bình trên 100 tấn cỏ giống Brizaitha cho nông dân ở thị xã. Số cỏ này cung cấp đủ thức ăn xanh cho trên 100 con trâu, bò trong 1 năm.

 

Gia đình ông Đồng Văn Bến, xóm Chùa, xã Bá Xuyên đã trồng 2 sào cỏ để chăn nuôi cho con trâu nái và nghé. Ông chia sẻ: Giống cỏ tôi lấy từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đạt năng suất đạt gần 5 tấn cỏ/sào/năm, cao hơn giống cỏ voi 20%, đặc biệt là vẫn phát triển tốt trong mùa đông rất phù hợp với nhu cầu trồng cỏ chăn nuôi của gia đình. Mùa đông năm 2011, dù thời tiết khắc nghiệt, cỏ vẫn lên tốt, gia đình tôi chỉ việc cắt cỏ về cho trâu ăn, không cần phải dắt trâu đi chăn mất ngày mất buổi như trước nữa. 

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi cho biết: Xác định được chung tay cùng nông dân xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng của mình, từ năm 2010, Trung tâm chúng tôi đã nghiên cứu được nhiều công trình khoa học và chuyển giao nhằm giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Có thể kể các đề tài nghiên cứu như: Xây dựng mô hình cỏ chăn nuôi đại gia súc; xây dựng mô hình chăn nuôi gà đặc sản phù hợp với vùng cao phía Bắc; sản xuất và bảo tồn đông lạnh tinh cọng rạ ở trâu…

 

Ngoài dẫn tinh cho trâu nội và các mô hình trồng cỏ, mỗi năm chúng tôi còn cung cấp khoảng 80 nghìn con gà giống lai Mía, gà thả vườn Ai Cập cho trên 300 hộ gia đình chăn nuôi của thị xã. Các gia đình này hiện cũng đang thu được hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chú trọng đến nâng cao nhận thức về khoa học kỹ thuật cho nông dân. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã tập huấn và đào tạo nghề cho cho trên 1,1 nghìn nông dân về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò; trồng và chế biến cây thức ăn trong chăn nuôi; chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp; chăn nuôi gà an toàn sinh học; kiến thức về chăn nuôi, thú y...

 

Ông Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND T.X Sông Công nhận định: Những đóng góp của các cán bộ, nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền núi đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở T.X Sông Công là rất đáng ghi nhận nhất là trong việc tạo cho người nông dân cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Hiện tại, T.X Sông Công và Trung tâm đang nghiên cứu hợp tác xây dựng mô hình chuỗi liên kết nhằm phát triển chăn nuôi gà thả vườn bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa tại các xã xây dựng nông thôn mới.

 

Trong đó, Trung tâm có đủ năng lực đảm bảo khoa học, giám sát kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất con giống tại chỗ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn với 30 nghìn công nhân là những đơn vị đảm nhiệm đầu ra cho sản phẩm thịt và trứng, các hộ nông dân với vườn đồi rộng phù hợp cho chăn nuôi gà thả vườn... Chúng tôi cho rằng, dự án này rất khả quan. “Được hỗ trợ “cần câu”, lại được dạy cách “câu”, nông dân thị xã chắc chắn sẽ câu được nhiều “cá””, ông Điệp nhấn mạnh.