Hơn 10 loài động vật đã tuyệt chủng ở Việt Nam

17:50, 27/05/2012

Theo Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), chỉ trong vòng  hơn hai thập niên gần đây, ít nhất đã có hơn 10 loài động vật đã vĩnh viễn biến mất khỏi môi trường tự nhiên ở nước ta.  

Tê giác một sừng (Rhinoceros sondaicus) và tê giác hai sừng (Dicerorhinus sumatrensis) đã hoàn toàn bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Tiếp theo đó là bò xám (Bos sauveli), lợn vòi ở Tây Nguyên, cầy rái cá (Cynogale lowei) ở hồ Ba Bể, cá chình Nhật tại khu vực Thanh Trì, cá chép Lạng Sơn, cá lợ thân thấp, hươu sao (Cervus nippon) và cả loài cá sấu hoa cà (Crocodylus porosus)…

 

Theo các nhà khoa học, việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) vì lợi ích cá nhân, kiếm lợi đã khiến hệ sinh thái mất cân bằng, dẫn đến một số loài động vật hết đất sống và bị tuyệt chủng. Thực tế cho thấy, sự có mặt của các loài động vật trong tự nhiên sẽ trợ giúp, hoặc kìm hãm loài kia nhằm đảm bảo sự cân bằng tối ưu, vì vậy, khi một loài bị tiêu diệt sẽ kéo theo sự mất cân bằng của hệ sinh thái từ quy mô nhỏ đến lớn. Theo Sách đỏ Việt Nam 2007, số loài ĐVHD trong tự nhiên bị đe dọa tăng lên tới 882 loài (tăng 161 loài so với 15 năm trước). Nếu như xu hướng săn bắt ĐVHD, tàn phá môi trường tự nhiên còn tiếp diễn, thì trong thời gian tới chúng ta sẽ chứng kiến sự tuyệt chủng chưa từng có của động, thực vật hoang dã ở Việt Nam.