Hướng tới xây dựng làng nghề trồng hoa chất lượng cao

08:44, 04/05/2012

Nghề trồng hoa ở thành phố Thái Nguyên đang mang lại hiệu quả kinh tế cao tạo việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, quy mô và phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ...

Từ trước đến nay, người dân ở các vùng trồng hoa của thành phố đều thực hiện sản xuất hoa theo kinh nghiệm truyền thống với biện pháp canh tác thủ công nên mất nhiều ngày công lao động. Đa phần người dân chưa chủ động được nguồn giống và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nên cây thường ra hoa không đúng mùa vụ. Hơn nữa, công tác chăm sóc, bảo quản thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh cho từng loại hoa chưa được quan tâm đúng mức nên chất lượng hoa chưa cao. Điều này gây khó khăn cho người dân trong việc tìm thị trường tiêu thụ vì khả năng cạnh tranh với các loại hoa ở địa phương khác thấp.

 

 

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng thành vùng sản xuất hoa hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế từ 200-300 triệu đồng/ha/năm, Hội Nông dân thành phố đã thực hiện Dự án nhân rộng mô hình trồng hoa chất lượng cao với diện tích 25 sào tại 3 phường Quang Vinh, Gia Sàng, Túc Duyên. Đây là các địa phương đang có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mạnh nghề trồng hoa. Tham gia Dự án, 16 hộ dân (là những hộ trồng hoa lâu năm) đã thực hiện trồng các loại hoa cúc, ly, lay ơn, loa kèn. Với từng loại hoa, họ được hỗ trợ giống từ 40-60% và 40% vật tư phân bón.

 

Bà Nguyễn Thị Thoa, ở tổ 19, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho biết: Vừa qua, tham gia Dự án trồng hoa chất lượng cao, gia đình tôi đã trồng 10.000 củ hoa lay ơn với diện tích 720m2. Qua thực tế sản xuất, tôi thấy loại hoa này dễ trồng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tỷ lệ sống của giống đạt khoảng 80%. Cây nở hoa vào dịp Tết nên gia đình tôi bán 5.000đ/cành, trừ chi phí thu lãi 33 triệu đồng. Khi tham gia Dự án, tôi được cán bộ hướng dẫn nhiều, nhất là việc phun thuốc nhằm tăng cường khả năng chống chịu giảm thiểu bệnh hại cháy lá sinh lý (thường gặp ở nơi chịu ảnh hưởng của các khu công nghiệp).

 

Cũng chung quan điểm như bà Thoa, chị Phạm Thị Hương, tổ 13, phường Túc Duyên cho hay: 5 năm trồng hoa nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham gia Dự án nhân rộng mô hình sản xuất một số loại hoa. Gia đình tôi đã trồng 5.000 củ hoa ly (được hỗ trợ 60% giá giống) trên diện tích 1.200m2. Trước đây, gia đình tôi trồng hoa nhưng chưa có các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại nên hoa thường nở không đúng dịp Tết Nguyên đán, cây thấp, cành nhỏ và hoa gầy, mầu sắc nhạt, hương thơm ít. Tham gia Dự án, chúng tôi rất phấn khởi vì có các cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, thường xuyên xuống gia đình kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hoa. Do vậy, hoa nở vào đúng dịp Tết, cây cao, hoa to, đẹp và hương rất thơm. Gia đình tôi không phải ra chợ bán lẻ vì các thương lái vào tận nhà thu mua. Cuối vụ, gia đình tôi thu lãi 70 triệu đồng (cao gấp 2 lần so với năm trước). Cuối năm nay, tôi sẽ tiếp tục trồng hoa ly và nhờ cán bộ hội nông dân tư vấn về kỹ thuật.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Xuân Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, Chủ nhiệm Dự án phấn khởi cho biết: Dự án phù hợp với tiềm năng đất đai và lao động tại địa phương, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố. Qua tổng hợp cho thấy, khi thực hiện chuyển đổi từ trồng các cây màu sang trồng các loại hoa trên cho hiệu quả cao (trung bình các hộ thu lãi từ 21-41 triệu đồng/sào). Bên cạnh đó, các hộ nông dân tham gia Dự án và trên 100 hộ nông dân có nhu cầu trồng hoa đã được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất một số loại hoa có giá trị tại mô hình do Hội Nông dân thành phố phối hợp với Hợp tác xã hoa ôn đới Bắc Kạn tổ chức. Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc nhân rộng Dự án, thực hiện chương trình sản xuất hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, tạo tiền đề xây dựng làng nghề trồng hoa theo hướng hiện đại tại Thành phố.

 

Bên những luống hoa cúc đang thời kỳ sinh trưởng, thân mập, cao, chị Phạm Thị Thư, ở tổ 8, phường Gia Sàng chia sẻ: Sau Dự án, hiện gia đình tôi đang tiếp tục trồng 2 sào hoa cúc. Khoảng 15 ngày nữa là lứa hoa này được thu hoạch (ảnh). Tham gia Dự án, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn làm giàn lưới công nghiệp cho hoa, đỡ được nhiều công lao động (trước đây căng lưới thủ công mất 2 ngày nhưng nay chỉ cần 1 tiếng đồng hồ). Thời gian tới, rất mong Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp cận với nhiều dự án để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng hoa.