Mưa sao băng sắp đến

07:36, 04/05/2012

Rạng sáng chủ nhật, Việt Nam có thể xem một phần trận mưa sao băng Eta Aquarids - hiện tượng thiên văn đáng chú ý đầu tiên của tháng 5.

Tại Việt Nam, do gặp phải sự cản trở của ánh trăng tròn vào giữa tháng, nên người quan sát không có cơ hội theo dõi trọn vẹn hiện tượng này. Mưa sao băng Eta Aquarids rất nhỏ, với lượng sao băng ở thời gian cực điểm chỉ khoảng 10 vệt mỗi giờ.

 

Tuy nhiên, theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam, ở Việt Nam vẫn có cơ hội bắt gặp một số sao băng sáng nhất của trận mưa sao băng.

 

Theo anh Sơn, đầu hè là lúc có điều kiện thời tiết lý tưởng cho quan sát bầu trời, nhất là tại các khu vực không khí trong lành, bầu trời về đêm trong và người quan sát có thể nhìn rõ các chòm sao nổi bật trên nền trời.

 

"Thời điểm tốt nhất để có thể quan sát một số sao băng Eta Aquarids là khoảng từ 4h đến 5h sáng chủ nhật tới. Lúc này, mặt trăng xuống thấp gần chân trời phía tây, không gây nhiều ảnh hưởng tới khu vực quanh chòm sao Aquarius đang nằm cao trên chân trời phía đông", anh Tuấn Sơn nói.

 

Sao băng xuất hiện khi các mảnh vật chất nhỏ bị trái đất hấp dẫn và bốc cháy tạo thành vệt dài khi xuyên qua bầu khí quyển. Mỗi trận mưa sao băng hàng năm đều có nguồn gốc từ một ngôi sao chổi.

 

Mưa sao băng Eta Aquarids có trung tâm là chòm sao Aquarius (Bảo Bình). Nó có nguồn gốc từ một ngôi sao chổi Haley. Các mảnh vụn của sao chổi này để lại trên quỹ đạo trái đất mỗi năm lại lao qua khí quyển của chúng ta khi trái đất đi tới khu vực quỹ đạo này và tạo thành mưa sao băng Eta Aquarids.

 

Cũng khoảng thời gian cực điểm mưa sao băng Eta Aquarids, hiện tượng kỳ thú khác là "siêu mặt trăng" xuất hiện. Mặt trăng sẽ hiện ra với hình dạng tròn lúc 2h35 sáng chủ nhật. Do trăng tròn trùng với khoảng thời gian nó tới cận điểm – điểm gần trái đất trên quỹ đạo, nên người quan sát trên địa cầu sẽ thấy trăng to hơn mức bình thường.