Thành công từ mô hình nuôi cá thâm canh tổng hợp

08:06, 02/05/2012

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa tổ chức họp Hội nghị nghiệm thu dự án “Nhân rộng mô hình nuôi cá thâm canh tổng hợp ở một số ao hồ tại huyện Phú Bình”…

Cuối tháng 3 vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức họp Hội nghị nghiệm thu dự án “Nhân rộng mô hình nuôi cá thâm canh tổng hợp ở một số ao hồ tại huyện Phú Bình”, do Trạm Khuyến nông huyện chủ trì thực hiện (từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 2 năm 2012). Dự án được đánh giá loại khá.

 

Bà Bùi Thị Hợp, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông Phú Bình, Chủ nhiệm dự án cho biết: Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản của huyện ngày một phát triển. Tuy nhiên, diện tích nuôi của các hộ phân tán, nhỏ lẻ mang tính chất tự phát, trình độ thâm canh không nhiều. Hơn nữa, các hộ vẫn tận dụng thức ăn tự nhiên là chính nên năng suất thấp (2 tấn/ha), sản lượng thủy sản hàng năm không đủ cung cấp cho thị trường. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn sau khi triển khai dự án sẽ từng bước mở rộng và đưa hình thức nuôi cá thâm canh tổng hợp thành một mô hình nuôi phổ biến trên diện rộng, góp phần nâng cao sản lượng, cung cấp nguồn thực phẩm có giá trị cao cho thị trường.

 

Để triển khai Dự án, Trạm khuyến nông huyện đã lựa chọn 5 hộ thuộc thị trấn Hương Sơn, xã Tân Hòa, Đào Xá tham gia dự án là những hộ có truyền thống nuôi cá nhiều năm, có nguồn nước chủ động, có sự đầu tư về giống và thức ăn. Đây là 3 địa phương có nhiều hộ nuôi cá (763 hộ), năng suất bình quân từ các ao cá của những xã này cao hơn gần 0,7 tấn/ha so với các nơi khác. Dự án được triển khai với quy mô 1ha, số lượng 25.000 con. Sau khi được lựa chọn tham gia dự án, 5 hộ dân đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cá thâm canh.

 

Cùng với đó, họ được hỗ trợ 60% cá giống từ trại cá giống Cù Vân thuộc Trung tâm Thủy sản tỉnh (bao gồm các loại cá rô phi, chép, mè trắng, mè hoa) và 40% thức ăn do công ty DABACO sản xuất. Nhờ thực hiện việc nuôi cá theo đúng quy trình kỹ thuật nên tỷ lệ cá sống đã đạt 80%, năng suất đạt 12,86 tấn/ha, vượt 80kg so với mục tiêu của dự án. Qua theo dõi của các cán bộ khuyến nông cho thấy trọng lượng bình quân cá rô phi đạt 0,5kg/con, cá chép 0,85kg/con, mè trắng 0,7kg/con, mè hoa đạt 1,8kg/con. Cùng với đó, so sánh việc sử dụng thức ăn cám công nghiệp nuôi cá thâm canh cho thu nhập và lãi suất cao hơn mô hình nuôi cá đại trà (tận dụng thức ăn tự nhiên và nguồn phân chuồng) là trên 61 triệu đồng/ha.

 

Ông Nguyễn Văn Minh ở Xóm Dẫy, xã Đào Xá, một hộ tham gia Dự án cho biết: Tham gia dự án, chúng tôi đã được các cán bộ kỹ thuật chuyên môn hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết từ việc vệ sinh ao nuôi đến việc nuôi cá, lượng thức ăn cho cá từng giai đoạn, cách phòng trị bệnh kịp thời. Mặc dù năm 2011 sản xuất thủy sản có gặp khó khăn ở đầu vụ do con giống bị hạn chế nhưng trong quá trình nuôi gặp nhiều điều kiện thuận lợi: chất lượng cá giống tốt, không có bệnh, tương đối đồng đều, sinh trưởng và phát triển nhanh, kỹ thuật đảm bảo. Với diện tích nuôi 4.240m2, gia đình tôi đạt sản lượng là 5,5 tấn. Sau khi trừ chi phí còn lãi 50 triệu đồng (cao hơn với năm trước khi không đầu tư cám công nghiệp là 23 triệu đồng). Sau khi thu hoạch, hiện nay gia đình tôi đang tiến hành dọn vệ sinh ao để chuẩn bị nuôi cá đợt mới theo hình thức thâm canh.

 

Bà Nguyễn Thị Hợp cho biết thêm: Kết quả của Dự án đã góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật chăn nuôi cá thâm canh, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Phú Bình. Sau Dự án, đã có nhiều hộ nông dân trong huyện gọi điện đến Trạm Khuyến nông để hỏi địa chỉ mua thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi cá.