Thêm cơ hội cho những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não

10:48, 29/05/2012

Đề tài khoa học “Bước đầu đánh giá tác dụng lâm sàng của điện châm kết hợp bài thuốc “Trúng phong ẩm” trên bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp” do Bệnh viện Y học Cổ truyền (YHCT) tỉnh thực hiện từ tháng 1-2011 đến tháng 3-2012 vừa được Hội đồng Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu, đánh giá xếp loại Xuất sắc.

Theo YHCT, tai biến mạch máu não (TBMMN) nguyên nhân do nhồi máu não đã được điều trị qua giai đoạn cấp. Người bị TBMMN có khả năng tử vong cao (đứng thứ ba sau căn bệnh tim mạch và ung thư); nếu qua được giai đoạn hiểm nghèo thường bị tàn tật. Ở Thái Nguyên, số người mắc bệnh này ngày một tăng, chủ yếu ở nam, lứa tuổi trên 60. Bệnh TBMMN thuộc chứng “trúng phong”, được phân loại thành trúng phong kinh lạc (thể nhẹ, không có hôn mê với các triệu chứng: mồm méo, mắt xếch, chân tay tê dại, nói ngọng...) và trúng phong tạng phủ (thể nặng, triệu chứng đột nhiên hôn mê bất tỉnh).

 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện YHCT tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: 30 bệnh nhân chúng tôi nghiên cứu ở lứa tuổi từ 46-88, được chẩn đoán bị TBMMN đã được điều trị qua giai đoạn cấp (trong đó đa số bệnh nhân bị ở thể nhẹ, liệt nửa người). Mục đích nghiên cứu của đề tài nhằm đánh giá các tác dụng lâm sàng của điện châm, kết hợp với bài thuốc “Trúng phong ẩm” trên bệnh nhân và tác dụng không mong muốn khi uống bài thuốc. Trước khi điều trị, các bệnh nhân được chúng tôi khám lâm sàng y học hiện đại, YHCT. Trong quá trình điều trị, họ được điện châm và uống thuốc 30 ngày. Đồng thời, được xoa bóp và hướng dẫn tập các bài tập phục hồi chức năng vận động nửa người bên liệt.

 

Qua một tháng thực hiện, kết quả nghiên cứu đã mang lại cho chúng tôi niềm vui lớn bởi đa số bệnh nhân đã cải thiện được tình trạng ý thức, giảm bớt độ liệt. Cụ thể là 5 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, 19 người phục hồi ở mức độ khá, 1 bệnh nhân phục hồi ở mức độ vừa, 2 bệnh nhân ở mức độ không hồi phục (các bệnh nhân tuổi cao, khả năng phục hồi kém do đặc điểm sinh lý, khả năng vận động của hệ cơ xương khớp, phản xạ thần kinh giảm sút so với người trẻ). Trong quá trình điều trị, không có bệnh nhân nào bị đi ngoài, nôn mửa, dị ứng hay đau bụng do uống thuốc. Thuốc cũng không gây bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào.

 

Ông Lưu Hữu Đồng, 66 tuổi ở tổ 5, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) - 1 trong số 30 bệnh nhân bị bệnh TBMMN ở thể nhẹ đã được điều trị tại bệnh viện YHCT tỉnh cho biết: Giữa tháng 6 năm trước tôi bị căn bệnh này. Khi vào viện, tôi đã liệt nửa người, không nói được, đầu thường xuyên đau nhức, rối loạn cảm giác, mọi sinh hoạt đều do người nhà phục vụ. Sau hơn 1 tháng điều trị, tôi đã dần ngồi dậy, đi lại bình thường, tự sinh hoạt cá nhân mà không làm phiền người khác. Hiện nay, mỗi ngày tôi đều dành thời gian tập luyện vận động cơ tay, chân trên giường; kết hợp với đi bộ vào buổi sáng và tối.

 

Thành công của đề tài nghiên cứu “Bước đầu đánh giá tác dụng lâm sàng của điện châm kết hợp bài thuốc “Trúng phong ẩm” trên bệnh nhân nhồi máu não sau giai đoạn cấp” đã mở ra hướng điều trị khoa học, đem cơ hội đến với các bệnh nhân mắc bệnh TBMMN, cần được nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ cho các cán bộ của Bệnh viện YHCT tiếp tục nghiên cứu thêm bài thuốc dưới dạng viên để tiện sử dụng mà không làm thay đổi tính dược.

 

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh: Bài thuốc “Trúng phong ẩm” dùng Sinh Hoàng kỳ liều cao phối hợp với Đương quy, Xích thược, Đào nhân, Hồng hoa, Địa long, Xuyên khung, Đan sâm, Uất kim là những vị thuốc có tác dụng đại bổ nguyên khí vực lại được suy kiệt, trục ứ, hoạt huyết để thông huyết lạc. Bài thuốc này chuyên chữa trúng phong, nửa người tê liệt, mồm mắt méo lệch, nói năng khó khăn... Tất cả các vị thuốc được sao tẩm, bào chế và sắc nước uống tại khoa Dược, Bệnh viện Y học Cổ truyền Thái Nguyên bằng máy sắc thuốc tự động của Hàn Quốc. Người bị bệnh mỗi ngày uống 2 lần (sáng-chiều), mỗi lần 150ml (uống sau khi ăn 30 phút) trong vòng 30 ngày.