Vườn quốc gia Cát Tiên thông báo các nhà khoa học đã nuôi trồng thành công nấm hoàng bạch và bạch hương, hai loài thực vật quý hiếm.
Nấm bạch hương có tên khoa học là Lentinula platinedodes, được phát hiện trong quá trình các nhà khoa học khảo sát khu hệ nấm lớn tại vườn quốc gia Cát Tiên. Giới chuyên gia đánh giá loài này có ý nghĩa lớn về mặt khoa học. Nếu được nghiên cứu kỹ, có thể nó sẽ trở thành một sản phẩm đặc trưng của nấm Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Dương, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết, đây là loài nấm quý thuộc nhóm nấm hương Shiitake, vốn chỉ được phát hiện và nuôi trồng tại các vùng có khí hậu lạnh. Việc nó xuất hiện ở vùng có khí hậu nhiệt đới như vườn quốc gia Cát Tiên là hiện tượng hiếm. "Điều này mở ra triển vọng nghiên cứu, lai tạo các chủng nấm hương chịu nhiệt có khả năng sinh trưởng ở những vùng có khí hậu nóng", ông Dương cho hay.
Giống nấm Lentinula platinedodes đã được phân lập cải tiến và nuôi trồng tại vườn quốc gia Cát Tiên. Kết quả cho thấy chúng sinh trưởng tốt.
Cũng trong quá trình khảo sát, các nhà khoa học đã phát hiện và nuôi trồng thành công nấm hoàng bạch - loài nấm có tên khoa học là Pleurotus cornucopiae (Paul.ex.pes) Roll.
Đây là loài nấm ăn quý, có vị ngon hơn nhiều so với các loài nấm cùng chi. Nấm màu trắng, dạng phễu nông khi còn nhỏ, dạng sò khi nấm trưởng thành. Mũ nấm nhẵn, non dạng bán cầu dẹp sau vươn lên dạng phễu lệch, nông và dần phẳng ra khi nấm trưởng thành.
Nhà khoa học Phạm Ngọc Dương cho hay, hiện nấm hoàng bạch được nuôi trồng khá phổ biến ở một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Người Pháp rất ưa chuộng loài nấm này.
Ở Việt Nam, nấm hoàng bạch mới bắt đầu được trồng thử tại vườn quốc gia Cát Tiên. Kết quả cho thấy chúng phát triển nhanh. Ưu điểm của nấm hoàng bạch là cho năng suất rất lớn, chịu được khoảng nhiệt độ rộng nên con người có thể nuôi trồng quanh năm. Bên cạnh đó nấm lại có giá trị dinh dưỡng cao, ngon nên dễ được thị trường đón nhận.
"Cả hai loài nấm trên hầu như không phổ biến ở Việt Nam, mà chỉ xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Các nghiên cứu này chứng tỏ tài nguyên nấm thực phẩm của Việt Nam rất phong phú, nhiều loài có thể được sử dụng làm thực phẩm và dược liệu", ông Dương nói.
Theo ông Dương, nguồn tài nguyên nấm còn ít được quan tâm nghiên cứu, trong khi Việt Nam đang sử dụng nấm ngoại nhập để phát triển ngành sản xuất nấm. Vì thế nghiên cứu các chủng nấm có nguồn gốc từ tự nhiên ở Việt nam là việc cần thiết đối với nỗ lực phát triển một ngành sản xuất nấm bền vững.