Sao Kim đi ngang qua Mặt Trời

17:14, 06/06/2012

Sao Kim vừa có 'màn trình diễn' hiếm hoi cho những người quan sát bầu trời khi họ nhìn thấy hành tinh này đi ngang qua Mặt trời. Đây là sự kiện thiên văn rất hiếm hoi mà phải đến 105 năm sau mới xuất hiện trở lại.

Những người quan sát ở phía bắc và trung châu Mỹ cũng như ở cực bắc của Nam Mỹ đã chứng kiến sự di chuyển này trước lúc Mặt trời lặn.

 

Điểm cực tây bắc của châu Mỹ, Bắc Cực, tây Thái Bình Dương và Đông Á nhìn thấy toàn bộ quá trình sao Kim đi ngang qua Mặt trời.

 

Trong khi đó nước Anh, châu Âu, Trung Đông và Đông Phi phải chờ đến bình minh mới thấy được giai đoạn cuối của quá trình di chuyển này.

 

Nhìn từ Trái đất thì sao Kim chỉ là một chấm đen nhỏ đang di chuyển chậm rãi xuyên qua đĩa Mặt trời.

 

Đài quan sát sự vận động của Mặt trời (SDO) trực thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ Nasa đã chụp được những hình ảnh ấn tượng nhất về sự kiện này. Đài này quan sát hoạt động của Mặt trời từ một vị trí cách mặt đất 36.000 cây số.

 

Nhiều người mong muốn được tận mắt nhìn thấy quá trình di chuyển này đã tham gia và các sự kiện đặc biệt do các trường đại học và các đài thiên văn tổ chức. Những nơi này có các thiết bị quan sát an toàn cho công chúng.

 

Các nhà khoa học quan sát sự di chuyển của sao Kim để tìm hiểu thêm về các hành tinh giống Trái đất khác nằm trong dải Ngân hà, đồng thời biết thêm về sao Kim và bầu khí quyển phức tạp của nó.

 

Sự di chuyển này chỉ diễn ra có bốn lần trong khoảng thời gian 243 năm.

 

Lý do có khoảng thời gian chờ đợi dài như thế giữa hai lần di chuyển là quỹ đạo của sao Kim và của Trái đất có sự lệch nhau và chỉ khi nào cả hai hành tinh này nằm trên cùng một đường thẳng cùng với Mặt trời thì sự di chuyển như thế mới xảy ra.

 

Điều này chỉ xảy ra vài lần trong suốt kỷ nguyên kính viễn vọng, đó là vào các năm 1631, 1761, 1874 và bây giờ. Sau lần di chuyển này, phải đến năm 2117 mới xảy ra sự kiện tương tự.