Kính thiên văn không gian Hubble vừa chụp được ảnh của ba thiên hà kỳ lạ và sự tồn tại của chúng có thể giúp các nhà khoa học giải thích một trong những bí ẩn của vũ trụ.
Hercules, Leo IV và Ursa Major, tên của ba thiên hà mà kính Hubble phát hiện gần dải Ngân Hà, đều là những thiên hà lùn (kích thước nhỏ) và mờ đến nỗi các nhà thiên văn gọi chúng là "thiên hà ma". Chúng hình thành khoảng 13 tỷ năm trước và vì một lý do nào đó mà chúng ngừng phát triển sau một khoảng thời gian. Do vũ trụ ra đời khoảng 13,7 tỷ năm trước nên chắc chắn chúng là những thiên thể cổ nhất, Space đưa tin.
"Những thiên hà này là tàn dư từ thuở sơ khai của vũ trụ. Chúng có độ tuổi giống nhau và hầu như không thay đổi trong 13 tỷ năm qua. Một nguyên nhân nào đó khiến quá trình tạo sao dừng đột ngột trong cả ba thiên hà", Tom Brown, một chuyên gia của Viện Khoa học Kính thiên văn không gian tại Mỹ, phát biểu. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu ba thiên hà.
Một trong những điểm bất thường nữa của Hercules, Leo IV và Ursa Major là dường như chúng có lượng vật chất tối gấp khoảng 100 lần so với vật chất thường. Trong khi đó, lượng vật chất tối trong những thiên hà lùn, sáng hơn và trẻ hơn mà con người phát hiện gần dải Ngân Hà chỉ lớn hơn vật chất thường khoảng 10 lần.
Sự hiện diện của nhóm "thiên hà ma" có thể giúp giới khoa học giải thích tình trạng mất tích bí ẩn của các thiên hà vệ tinh. Chẳng hạn, các giả thuyết đều dự đoán dải Ngân Hà có vài nghìn thiên hà vệ tinh, song trên thực tế con người mới chỉ phát vài thiên hà vệ tinh xung quanh dải Ngân Hà. Vì thế nhiều chuyên gia cho rằng phần lớn thiên hà vệ tinh của Ngân Hà đã mất tích. Nhưng nguyên nhân khiến chúng mất tích chưa được tìm ra.