Sau hơn 3 năm mày mò lắp đặt, cải tiến và tuyên truyền cho người dân, đến nay anh Trịnh Văn Lũy, xóm Phú Thành, xã Hợp Thành, Phú Lương đã thực hiện được ước mơ của mình là đưa chiếc bếp hóa khí vào sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Với tính ưu việt của loại bếp này là tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, bếp hóa khí do anh sản xuất đã được nhiều hộ dân, nhà hàng và các trang trại chăn nuôi sử dụng để đun nấu và sưởi ấm cho vật nuôi.
Mặc dù đã được giới thiệu trước, nhưng chúng tôi vẫn thấy bất ngờ bởi ông chủ của một xưởng cơ khí lớn nhất ở xã Hợp Thành - người đầu tiên sản xuất ra chiếc bếp hóa khí lại trẻ như vậy, dáng người dong dỏng thư sinh, đôi mắt to phía sau cặp kính cận. Trò chuyện xởi lởi, anh cho biết: Tôi sinh năm 1982, là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em ở xã Phấn Mễ, từ nhỏ đã rất ham mê chế tạo, nên học xong THPT, tôi đã đăng ký thi vào Trường đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên mặc dù thi đỗ, tôi cũng không thể theo học hết 5 năm đại học mà phải nghỉ học dở chừng. Tôi đã đến các cơ sở cơ khí vừa làm vừa học. Sau khi tích cóp được chút vốn, tôi đã thuê đất ở xã Ôn Lương và mở một xưởng cơ khí nhỏ.
Do chịu khó, sáng tạo nên anh Lũy được khách hàng tín nhiệm, khách tìm đến xưởng anh ngày một đông, dần dần anh đã mua được đất xây dựng xưởng và ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Anh thường xuyên đọc sách báo, xem trên mạng Internet, tivi để tìm hiểu những sáng kiến, phát minh mới. Tình cờ một lần xem tivi, anh thấy giới thiệu về chiếc bếp hóa khí do Công ty cổ phần Thảo Nguyên, ở Việt Trì (Phú Thọ) sáng chế, anh đã không ngại ngần đường xa, tìm đến tận nơi để tìm hiểu về chiếc bếp này.
Khi biết được những đặc tính của chiếc bếp, đặc biệt là nguyên liệu dùng để đốt là các loại phế phẩm khô rất sẵn có ở địa phương như: Rơm, rạ, vỏ bào, mùn cưa, bã mía, lá cây, vỏ trấu… nên có thể tiết kiệm được chi phí. Thêm vào đó, bếp sinh nhiệt trên bề mặt màng lưới bằng chất liệu Von - Fram nên khi cháy không có khói, không mùi, không đen nồi, an toàn không gây cháy nổ nên đây là loại bếp thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Với những tính năng này, anh đã bị chiếc bếp hóa khí thuyết phục, ngay sau đó anh làm hợp đồng với công ty cho sản xuất bếp tại cơ sở của mình để phân phối trong tỉnh và quanh khu vực do lượng hàng sản xuất của Công ty cổ phần Thảo Nguyên không đủ cung cấp cho thị trường. Vừa làm, vừa học hỏi, sau 1 năm, anh đã sản xuất thành công chiếc bếp hóa khí đầu tiên.
Bếp đã sản xuất ra, nhưng ít người biết đến. Nhưng với niềm tin vào những ưu điểm của bếp, anh đã không ngần ngại đến các khu dân cư, chợ trên địa bàn để giới thiệu với mọi người. Ngày ngày rong ruổi trên khắp các chợ ở Phú Lương, các điểm tập trung đông dân với chiếc bếp hóa khí để giới thiệu cho mọi người, anh còn sắm cả loa, tăng âm, ắc quy mang theo để tiện quảng bá. Người nào có nhu cầu sử dụng thử, anh đã đến tận nhà lắp đặt, hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng. Dần dần, nhiều người đã đầu tư mua về để đun nấu trong gia đình, một số nhà hàng và gần đây với ý tưởng đưa bếp hóa khí vào các trang trại chăn nuôi gà để sưởi ấm cho vật nuôi thay thế bếp than tổ ong, anh Lũy đến các trang trại gà giới thiệu sản phẩm và đã được chủ các trang trại đón nhận.
Một trong những trang trại lớn của huyện là trang trại gà Huyền Long ở xóm Đầm Rôm, xã Phủ Lý mới đây cũng đã đưa bếp hóa khí vào. Anh Nguyễn Văn Long, chủ trang trại cho biết: Trang trại gà của gia đình tôi có quy mô 7.000 con/lứa. Đã nhiều năm trong nghề chăn nuôi gà, trước đây cứ vào mùa đông, tôi lại phải sử dụng đến 18 bếp than liên tục để sưởi ấm cho gà, mỗi ngày đốt hết khoảng 150 viên than, tiêu tốn khoảng 300 nghìn đồng, mỗi lứa hết hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, do khói than độc hại nên gà thường hay mắc bệnh hen và chậm lớn, sức khỏe con người cũng bị ảnh hưởng. Nhưng từ năm 2011 đến nay, thấy một số trang trại đưa bếp hóa khí vào thay thế bếp than tổ ong, tôi cũng đầu tư mua 4 bếp. Quả thực, bếp hóa khí rất tiết kiệm, trấu rải chuồng trước đây chỉ có thể làm phân bón, nay tôi sử dụng làm nhiên liệu đốt, do vậy mỗi lứa tiết kiệm được hơn chục triệu đồng, lại không phải túc trực để thay than như trước, cũng không có mùi than như trước đây nên hàng xóm láng giềng không phải ngửi khói than suốt ngày đêm như trước.
Không chỉ gia đình anh Long, chiếc bếp này đã không còn xa lạ với người dân địa phương, nhất là đối với bà con chăn nuôi gà ở xã Phấn Mễ thì chiếc bếp này ngoài hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường còn giảm được chi phí chăn nuôi. Gần đây nhất, một trang trại lớn của Trường đại học Nông lâm cũng đã đưa bếp hóa khí vào để sưởi ấm cho gà. Hiện nay, mỗi năm, cơ sở của anh Lũy sản xuất ra trên 500 chiếc cung cấp cho thị trường. Anh Lũy cho biết: Đến giờ, tôi vẫn nhập các linh kiện về để lắp đặt, tôi có mong muốn là một ngày nào đó, mình có thể sản xuất được các linh kiện này tại chỗ. Hiện, tôi đã có thể sản xuất được một số bộ phận như: Thùng chứa nguyên liệu, ống dẫn khí, mặt bếp, van… chỉ có tấm lưới tỏa nhiệt là chưa thể sản xuất được. Tôi đang nghiên cứu một chất liệu khác để thay thế tấm lưới von-fram để hạ giá thành sản phẩm, hiện nay trung bình một chiếc bếp hóa khí có giá hơn 2 triệu đồng. Giá thành hạ, mọi người dân đều có thể sử dụng chiếc bếp tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường này.