Sau một hành trình kéo dài 8 tháng, vào lúc 05h31 (giờ GMT) ngày 6/8, tàu thăm dò sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất từ trước đến nay mang tên Curiosity đã hạ cánh thành công xuống sao Hỏa.
Đây là một cột mốc đáng ghi nhớ của ngành khoa học Mỹ trong quá trình nghiên cứu sao Hỏa. Tại Trung tâm điều hành tàu thí nghiệm, NASA đã xác định tàu Curiosity đã hạ cánh thông qua những hình ảnh truyền về qua camera gắn trên tàu.
Chia sẻ niềm vui với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Tổng thống Barack Obama khẳng định đây là một kỳ tích của ngành khoa học Mỹ. Thành công này là kết quả của một công trình nghiên cứu lâu dài và phức tạp, cho thấy công nghệ này còn tiến xa trong tương lai.
Tàu Curiousity trị giá 2,5 tỷ USD. Các nhà khoa học không tin vào việc tàu Curiousity sẽ tìm được người ngoài hành tinh hay những sinh vật sống khác, mà thay vào đó, họ hy vọng sẽ sử dụng tàu thăm dò để phân tích các loại đất đá nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống hiện tại hoặc hỗ trợ sự sống trong quá khứ trên sao Hỏa. Ngoài ra, họ cũng sử dụng tàu để nghiên cứu môi trường của sao Hỏa, chuẩn bị cho việc đưa con người lên hành tinh này trong những năm tới.
Được phóng lên vào ngày 26/11/2011 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, tàu Curiosity là loại tàu thăm dò vũ trụ lớn nhất và hoàn thiện nhất của NASA. Tuy nhiên, việc cho con tàu tự hành này hạ cánh xuống sao Hỏa được NASA coi là khó khăn nhất do Curiosity quá nặng, không thể giảm bớt tác động bằng các túi khí. Chính vì vậy, các kỹ sư của NASA đã thiết kế một loại "cần cẩu" với các tên lửa hãm để giữ Curiousity trong những phút trước khi nó đáp xuống sao Hỏa./.