Triển vọng của giống cây chuối sản xuất bằng phương pháp cấy mô

08:33, 24/08/2012

600 cây chuối được sản xuất bằng phương pháp cấy mô của Trạm chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng nông lâm nghiệp Gia Sàng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) được trồng từ tháng 12-2011 đến nay đã ra buồng.

Chuối tiêu hồng không còn xa lạ với người dân Thái Nguyên. Ai đã từng ăn loại chuối này đều có chung một lời khen là quả to, đẹp; mùi vị thơm ngon… Hiện nay, giá chuối tiêu hồng cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi so với chuối tiêu thường. Ngày bình thường, một buồng chuối tiêu hồng được bán với giá khoảng 100 nghìn đông, vào ngày rằm, mùng một có thể bán với giá 250-300 nghìn đồng. Qua thực tế của một số hộ nông dân đã trồng chuối tiêu hồng trên địa bàn tỉnh, mỗi năm một sào chuối tiêu hồng bỏ vốn và công chăm sóc khoảng 1,7 triệu đồng, cho thu lãi từ 3 đến 4 triệu đồng, mỗi ha có thể thu lãi từ 120-150 triệu đồng/ha. Đặc biệt, loại cây này có thể thích nghi ở nhiều vùng đất khác nhau.

 

Thấy được triển vọng của loại cây trồng này, từ năm 2011, Trạm chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng nông lâm nghiệp Gia Sàng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) phối hợp với Viện nghiên cứu rau quả Trung ương đã tiến hành thử nghiệm giống chuối tiêu hồng bằng phương pháp cấy mô tế bào thực vật. Đây là phương pháp được áp dụng tương đối phổ biến ở những vùng trồng chuối lớn tập trung hiện nay. Từ 1 củ chuối, thông qua phương pháp nuôi cấy mô, sau 1 năm có thể sản xuất được tới 2.000 cây chuối con sạch bệnh, có khả năng làm tăng năng suất từ 15-20%. Hơn nữa, cây chuối nuôi cấy mô được trồng trong túi bầu nhỏ gọn nên dễ vận chuyển đi xa an toàn.

 

Đưa chúng tôi đi thăm diện tích trồng chuối tiêu hồng bằng phương pháp nuôi cấy mô của đơn vị, chị Đinh Thị Tâm, Trạm Trưởng Trạm chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng nông lâm nghiệp Gia Sàng vui lắm. Chị nói: Chuối đang ra buồng rồi, mỗi buồng có từ 6 đến 8 nải, đạt trọng lượng trung bình 20 - 30 kg. Ưu điểm của giống chuối tiêu hồng được sản xuất bằng phương pháp cấy mô tế bào thực vật là cây lên rất đều, ra buồng đồng loạt, cho thu hoạch cùng lúc. Tỷ lệ cây sống cũng cao hơn, sinh trưởng nhanh, phát triển khỏe mạnh, thời gian từ trồng đến thu hoạch được rút ngắn hơn so với chuối tiêu thường khoảng 3 đến 4 tháng. Ban đầu, cây giống chỉ cao 20 cm, sau khoảng 10-12 tháng/buồng, cây cao 1,5m và bắt đầu cho thu hoạch. Tính đồng nhất của giống chuối nuôi cấy mô giúp người trồng có thể điều khiển được thời gian ra hoa và thời gian thu hoạch cũng như gia tăng năng suất và chất lượng quả. Quy trình kỹ thuật trồng chăm bón cũng khá đơn giản. Trong 1 năm, mỗi cây chuối chỉ cần bón khoảng 20-25kg phân chuồng hoai mục, gần 1kg đạm, 1kg lân, 2kg kali. Người trồng chỉ cần quan tâm phòng trừ các loại sâu bệnh hại như sâu vòi voi, bọ nẹt ăn lá, bọ vẽ quả… kịp thời là chuối sẽ luôn cho năng suất cao.

 

Điều thú vị hơn là cây chuối tiêu hồng được tận dụng hết không bỏ bộ phận nào, rất phù hợp trồng kết hợp tại các mô hình trang trại tổng hợp hiện nay bởi ngoài bán quả, thân cây chuối cho bẹ làm đồ mỹ nghệ, làm thức ăn cho lợn rừng lai, lá chuối cho cá trắm cỏ ăn…

 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông tỉnh cho biết: Sau khi thu hoạch, tổng kết đánh giá mô hình và quy trình thẩm định giống phù hợp với điều kiện của tỉnh, chúng tôi sẽ chỉ đạo Trạm mở rộng việc cung cấp giống hàng loạt cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu. Bởi lâu nay, để có giống, bà con vẫn phải đi rất xa, có những hộ đã phải về tận Hưng Yên, Vĩnh Phúc để mua. Đặc biệt với các địa phương có vùng đất phù sa ven sông, chân đất giàu dinh dưỡng, không úng nước thì khi đưa cây chuối tiêu hồng bằng phương pháp nuôi cấy mô, năng suất, hiệu quả kinh tế cây chuối tiêu hồng sẽ còn cao hơn.

 

Được biết, hiện nay, cây chuối tiêu hồng đã phát triển ở Phú Lương, Đại Từ. Trong đó có 10 hộ gia đình ở xóm 12, xã Phú Xuyên (Đại Từ) đã sử dụng cây giống được sản xuất bằng phương pháp cấy mô và bước đầu cho kết quả tốt.