Cảnh giác với thông tin từ những trang mạng xấu

07:02, 17/09/2012

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hôm 12/9 vừa qua về việc xử lý những trang mạng có nội dung thông tin chống Đảng, Nhà nước... đang nhận được sự đồng tình hưởng ứng của giới báo chí, truyền thông chân chính và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Chưa bao giờ những trang mạng nặc danh và giả danh lại rầm rộ tấn công vào Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta như thời gian gần đây.

 

Thủ đoạn quen thuộc của những trang mạng này như  báo Đại  Đoàn kết chỉ ra rằng: Họ “mập mờ khoe”  với người đọc mình có nhiều thông tin “cung đình”, bí mật đời tư, mối quan hệ giữa các vị lãnh đạo… Nhưng bản chất những thông tin đó là bịa đặt, suy diễn, áp đặt thái độ chủ quan của những người luôn ôm ấp ý đồ chống phá; tất cả thông tin họ đưa ra đều không có cơ sở kiểm chứng, cố tình tạo hoài nghi cho xã hội với âm mưu gây mất lòng tin. Họ không muốn đất nước này bình yên...

 

 Để thực hiện ý đồ ấy, cách thông tin của những trang mạng này vô cùng ác ý, đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò của “tâm lý đám đông”, xoi mói, dựng chuyện, bịa đặt về cá nhân của lãnh đạo các cấp, nhất là các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

 

Theo VOV, nguồn thông tin của họ không minh bạch đã đành, họ còn kết nối nhiều sự kiện với nhau rồi quy kết, suy diễn, thật giả không biết đâu mà lần, chẳng khác gì cầm bùn ném vào người khác, khiến những người vô can cũng dính bùn. Rõ ràng những trang mạng này danh không chính, ngôn không thuận, nội dung hoàn toàn đi ngược với tôn chỉ, mục đích cao cả của truyền thông. Họ đã tự đánh rơi chiêu bài yêu nước, hiện nguyên hình là những kẻ thù địch với dân tộc Việt Nam.

 

Vì sao vừa qua những trang mạng mạo danh người yêu nước, nhân danh “tự do tư tưởng”, lại có thể a dua nhau và rầm rộ xúc phạm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam như vậy?

 

Một trong những lý do dễ nhận thấy là họ lợi dụng chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin-truyền thông, nhất là thông tin điện tử, Internet phục vụ nhu cầu thông tin của nhân dân, mở rộng và nâng cao dân chủ xã hội. Nhờ sự  ưu việt của chính sách ấy, đến nay nước ta có gần 40 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 35% dân số. Dự báo đến năm 2015, số người dùng Internet sẽ khoảng từ hơn 40-50 triệu người chiếm xấp xỉ 50% dân số cả nước. Cũng hiện có khoảng 13 triệu thuê bao 3G thường xuyên truy cập để khai thác thông tin qua mạng. Những người Việt Nam hay đi công tác hoặc du lịch nước ngoài và bạn bè quốc tế đến Việt Nam đều có chung nhận xét: Ở Việt Nam sử dụng Internet hoặc các mạng xã hội thuận tiện hơn một số nước phát triển trên thế giới.

 

Nhưng với sự tiện lợi ấy, những trang mạng nói trên đã triệt để khai thác các thế mạnh của thông tin điện tử, Internet phục vụ cho mưu đồ đen tối hòng làm mất ổn định xã hội, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, làm sụp đổ thành tựu kinh tế xã hội và thành quả hơn 20 năm Đổi mới mà nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ mới xây dựng được nên.

 

Theo báo Quân  đội nhân dân thì hàng trăm trang web, blog “đen” do hơn 400 tổ chức phản động trong và ngoài nước lập nên xen lẫn hàng trăm trang web, blog cá nhân với thông tin tốt-xấu, thật-giả lẫn lộn, có loại ẩn chứa âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; có loại vô tình “nối giáo cho giặc”, “quá mù ra mưa” đang tạo ra những cơn “nấm độc thông tin” nhằm vào Đảng, Nhà nước và cuộc sống của nhân dân ta.

 

Các tầng lớp nhân dân đang rất hoan nghênh và hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hôm 12/9 về điều tra, xử lý các loại "nấm độc thông tin". Vì vậy, dù có thâm độc, quỷ quyệt, núp dưới vỏ bọc tinh vi thế nào, các trang mạng xấu cũng sớm bị nhân dân phát hiện ra chân tướng và chắc chắn nhân dâṇ sẽ cùng chung tay, chung lòng diệt “nấm độc thông tin” vì bình yên cuộc sống.