“Cửa hẹp” cho mạng nhỏ

08:51, 29/09/2012

Thị trường viễn thông di động ở nước ta đã đến thời kỳ bão hòa và điều này đã được dự báo từ cách đây vài năm. Việc các nhà mạng lớn vét nốt khách hàng "nhí" cho thấy "cửa" của nhà mạng nhỏ ngày càng hẹp trên thị trường viễn thông di động.

Viettel đã tung ra bộ hòa mạng “Bảy màu” nhằm thu hút nhóm khách hàng nhỏ tuổi.

 

Từ cuối năm 2010, Mobifone đã tiên phong thiết kế gói cước Mobikid dành cho độ tuổi nhi đồng (từ 5 đến 9 tuổi) với nhiều ưu đãi. Để không "mất lòng" các vị phụ huynh, nhà mạng này đưa ra điều kiện đi kèm việc hòa mạng phải có bố mẹ đi cùng và xuất trình chứng minh thư của người lớn cũng như giấy khai sinh của trẻ nhỏ. Thời điểm Mobifone đưa ra gói cước này cũng nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó không ít ý kiến lo ngại rằng việc các em nhỏ dùng điện thoại sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập…

 

Gần 2 năm sau, đầu tháng 9-2012, Viettel đưa ra gói cước "Bảy màu" (7colors) dành cho học sinh dưới độ tuổi 14. Cũng giống như Mobifone, không muốn làm mất lòng các vị phụ huynh, Viettel thiết kế tính năng thuê bao con chỉ được nạp tiền không quá 50.000 đồng và nếu hết tiền, thuê bao con gọi điện đến cho thuê bao bố mẹ theo hình thức người nhận cuộc gọi phải trả cước và khi đó thuê bao bố mẹ tiếp tục nạp tiền cho con. Đặc biệt, Viettel còn bổ sung tiện ích-điều mà Mobifone chưa làm được - đó là thuê bao bố mẹ có thể tra cứu định vị vị trí hiện tại của thuê bao con thông qua tin nhắn. Tiện ích này vốn được cả 3 mạng lớn từng triển khai, nhưng sau đó phải ngừng cung cấp do bị dư luận lên án là xâm phạm đời tư cá nhân người sử dụng, nhưng dường như để đem áp dụng với các thuê bao nhi đồng lại được dư luận đồng tình nhằm giúp bố mẹ có thể quản lý tốt con cái.

 

Như vậy, hai nhà mạng có thuê bao lớn nhất, nhì trên thị trường là Viettel, Mobifone đua nhau "hút" nốt nhóm khách hàng trẻ em độ tuổi cả thiếu niên (từ 9 đến 15 tuổi), lẫn nhi đồng (từ 5 đến 9 tuổi) có thể coi là những chiêu thức hướng tới nhóm đối tượng khách hàng cuối cùng trên thị trường hiện nay. Nói như vậy là vì từ năm 2009 đến nay cả 3 nhà mạng giữ thị phần chủ chốt (Viettel, Mobifone, Vinaphone) lần lượt thiết kế các loại gói cước dành cho từng loại khách hàng, như người có thu nhập bình dân; sinh viên; học sinh THPT; công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; nông dân; người già; ngư dân… Đáng chú ý, bên cạnh việc đưa ra các gói cước thu hút thuê bao trẻ em, 3 nhà mạng cũng đẩy mạnh marketing thương hiệu thông qua hoạt động truyền thông, các chương trình từ thiện xã hội.

 

Một trong những hoạt động nổi bật của Tập đoàn VNPT (chủ quản thương hiệu Mobifone, Vinaphone) trong nhiều năm qua là việc trao học bổng khuyến học, khuyến tài cho các thủ khoa đại học, học sinh, sinh viên học giỏi, hoặc có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực vượt khó trong cả nước. Cả hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone cũng thực hiện nhiều chương trình từ thiện xã hội dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Tập đoàn Viettel thì triển khai chương trình miễn phí internet cho ngành giáo dục (từ trường mầm non đến trường đại học), các chương trình từ thiện cho trẻ em… Có thể nói một cách khác, bên cạnh những đóng góp cho xã hội, trả lại lợi nhuận cho xã hội, các nhà mạng này đã, đang thực hiện chiến dịch làm thương hiệu tầm nhìn 70-80 năm và những giá trị thu được không chỉ tính bằng tiền…

 

Liệu trẻ em có phải là những khách hàng cuối cùng trên thị trường? Có ý kiến cho rằng, một ngày nào đó, biết đâu các nhà mạng lại thiết kế riêng những gói cước dành cho những người lái xe ô tô, chơi tennis, golf… Nhưng, cũng từ câu chuyện hai nhà mạng Mobifone, Viettel "vét" nốt khách hàng nhí cho thấy, cửa cho mạng nhỏ ngày càng hẹp.