Hiệu quả từ bếp lò cải tiến

08:28, 11/09/2012

Tiết kiệm từ 40-50% nguyên liệu đốt, than sinh học từ việc đun bếp có tác dụng góp phần cải tạo đất bạc màu - đó  là hiệu quả bước đầu của dự án: “Thử nghiệm bếp lò cải tiến và sử dụng than sinh học cải tạo đất” được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Định Hóa thực hiện tại 2 xã Bình Thành và Bộc Nhiêu trong gần một năm qua.

Là hộ tham gia dự án từ những ngày đầu tiên, anh Vi Văn Tuyến, xóm Cây Coóc, xã Bình Thành chia sẻ: Nếu như trước đây, trung bình mỗi tuần chúng tôi phải sử dụng khoảng 3 vác củi lớn để phục vụ đun nấu thì nay số lượng củi cần dùng giảm đi một nửa. Ngoài ra, nhờ bón phân ủ với than sinh học từ việc đun bếp mà năng suất lúa vụ chiêm xuân của gia đình tăng từ 2,6 tạ/sào lên 3 tạ/sào. Nhận thấy hiệu quả lớn từ việc sử dụng bếp lò cải tiến và than sinh học từ việc đun bếp mà đến giữa tháng 8-2012, gia đình anh tuyến tiếp tục xây thêm 2 bếp lò cố định để phục vụ việc đun nấu của gia đình.

 

Trao đổi với chúng tôi, chị La Thị Tiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thành cho biết: Dự án do tổ chức Care (Đan Mạch) tài trợ, được thực hiện thí điểm tại xã từ tháng 11-2011 với 116 hộ đăng ký tham gia. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ mua bếp xách tay với giá từ 100-150 nghìn đồng/bếp (giá thực của bếp là 450 nghìn đồng). Qua các đợt kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng bếp của đoàn cán bộ thuộc dự án, sau 3 lần thay bếp lò, hiện cả xã có 116 bếp xách tay và 14 bếp xây cố định đều cho hiệu quả sự dụng tốt. Cùng với việc sử dụng than sinh học từ việc đun bếp đã giúp bà con trong xã phần nào cải tạo đất bạc màu, góp phần tăng năng suất cây trồng.

 

Được biết, bếp do Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển (PED) nghiên cứu và sản xuất với tên gọi ĐK-T2. Khác với bếp đun truyền thống được thiết kế có 3 chân kiềng làm trụ, khi đun thường có nhiều khói. Bếp cải tiến có hình khối trụ với cấu tạo là 3 khoang (buồng) riêng biệt: Buồng đốt trực tiếp; buồng tạo than sinh học và buồng cách nhiệt, lấy không khí bổ sung. Bếp có quai xách nên có thể di chuyển tiện lợi. Người sử dụng bếp tiết kiệm được nhiên liệu, giảm công lao động, sạch sẽ, không nóng bức khi đun nấu và không ảnh hưởng đến sức khỏe vì bếp giảm đến 70% khói, bụi… Bếp hoạt động theo nguyên tắc bán khí hoá và tạo ra than sinh học. Do vậy, sau mỗi lần sử dụng bếp để đun nấu người dân có thể sử dụng than sinh học để ủ với phân bón cho cây trồng và cải tạo đất.

 

Nói về công đoạn ủ phân chuồng và phân hoá học với than sinh học, chị Nguyễn Thị Vy, xóm Đồng Đình chia sẻ: Chúng tôi được Viện Thổ nhưỡng nông hoá hướng dẫn cách ủ phân và chăm sóc lúa. Với 1 tấn phân chuồng, chúng tôi ủ kết hợp với 25 kg phân hóa học (NPK), 1 gói men vi sinh và 20 kg than sinh học. Ủ trong thời gian từ 30-40 ngày, phân sẽ trở nên tơi, xốp và có thể dùng để bón cho khoảng 3-4 sào lúa. Qua thu hoạch vụ chiêm xuân vừa rồi, năng suất lúa của gia đình tôi tăng từ 15-20% so với cách bón phân truyền thống.

 

Nhằm đánh giá đúng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp từ việc sử dụng phân ủ có chứa than sinh học, Hội Phụ nữ xã Bình Thành đã triển khai 2 mô hình sản xuất là: Mô hình trồng lúa tại xóm Đồng Đình và mô hình trồng rau muống tại xóm Cây Coóc, cả 2 mô hình bước đầu đều cho kết quả khả quan. Chị Phó Thị Linh, xóm Cây Coóc phấn khởi: Rau muống được bón bằng phân có ủ than sinh học phát triển rất tốt, có màu xanh đậm, ăn giòn và có vị ngọt hơn rau bón bằng phân thường. Hơn 1 sào lúa của gia đình tôi cũng đỡ phải bơm tát nước nhiều như trước nhờ than sinh học có tác dụng giữ ẩm rất tốt.

 

Theo kế hoạch, đến tháng 11 năm nay, dự án “Thử nghiệm bếp lò cải tiến và sử dụng than sinh học trong cải tạo đất” sẽ kết thúc. Hiện tại, xã Bình Thành đã cử 4 thanh niên trong xã theo học kỹ thuật xây bếp lò cố định tại Trung tâm PED nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng bếp lò của người dân địa phương. Hy vọng với thành công ban đầu mà dự án đem lại, việc sử dụng bếp cải tiến trong sinh hoạt hằng ngày và dùng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp sẽ được nhân rộng trên địa bàn huyện Định Hoá nhằm giúp người dân trong huyện tiết kiệm được chi phí trong sinh hoạt, tăng năng suất cây trồng; ngăn chặn việc chặt phá rừng làm nguyên liệu đốt và góp phần bảo vệ môi trường sống…