Với mục đích “giúp học trò đi tìm chân lý”, những năm qua, các thầy, cô ở Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã luôn coi trọng việc hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) và được đánh giá là đơn vị đi đầu của tỉnh trong hoạt động này.
Trao đổi với chúng tôi, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Mục tiêu đào tạo của Trường là phát hiện và bồi dưỡng ngoài bộ môn chuyên còn chú trọng công tác giáo dục toàn diện, trong đó có hướng dẫn các em tập dượt NCKH theo kiểu “học đi đôi với hành”. Nhà trường thường xuyên liên hệ với các trường đại học trên địa bàn để tổ chức cho các em học sinh tham quan, học tập tại các phòng thí nghiệm, các thành tựu khoa học, qua đó kích thích hứng thú học tập và NCKH của các em. Trên cơ sở đó, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo tới các tổ bộ môn và giáo viên tích cực hướng dẫn các em học sinh NCKH. Trường cũng thành lập Hội đồng khoa học thẩm định và xếp loại các đề tài NCKH của học sinh. Cùng với đó là sự hỗ trợ kịp thời về kinh phí và nhất là có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời để ghi nhận những thành tích của các em. Năm học này, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên được lựa chọn cùng 2 đơn vị trên địa bàn tham dự cuộc thi Intel ISEF. Đây là hội thi về khoa học lớn nhất thế giới dành cho học sinh phổ thông từ lớp 9 đến lớp 12 với 17 lĩnh vực nghiên cứu. Hội thi tạo cơ hội cho những nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất trên khắp thế được chia sẻ ý tưởng, trình bày các dự án khoa học tiên tiến và thi tài để dành được các giải thưởng, học bổng, trợ cấp học phí, thiết bị khoa học và các chuyến tham quan khoa học. Chuẩn bị tham gia cuộc thi này, hiện Nhà trường đang chỉ đạo các giáo viên và học sinh nghiên cứu tài liệu, tìm đề tài và từng bước hoàn thiện để tham dự Hội thi cấp Quốc gia vào tháng 3 năm 2013.
Tìm hiểu về phong trào NCKH trong học sinh ở Trường THPT Chuyên Thái Nguyên, chúng tôi được biết, nhiều năm nay, Trường đã tham gia cuộc thi Quốc gia "Cải thiện sử dụng và bảo vệ nguồn nước" do Hội Thiên nhiên Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức. Điều ấn tượng là năm 2012, Trường đã giành 7/11 giải của Ban Tổ chức, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. Trong số này, có 3 đề tài được giải trong cuộc thi “Sáng tạo trẻ” lần thứ IX do Tỉnh đoàn tổ chức. Trò chuyện với cô Đoàn Thị Bích Liên, giáo viên Chủ nhiệm lớp Sinh K22, người có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy bộ môn Sinh học và hướng dẫn các học sinh tham gia NCKH chúng tôi được cô cho biết: Điều thuận lợi ở Trường THPT Chuyên là các em vốn có kiến thức chuyên môn sâu, lại rất say mê với việc NCKH. Bởi vậy, công việc của chúng tôi chỉ là khơi dậy, định hướng đam mê sáng tạo đó của các em trở thành một đề tài NCKH hoàn chỉnh. Để làm công việc này, tôi đã hướng các em biết quan sát, khám phá những hiện tượng xung quanh để từ đó thúc đẩy khát vọng nghiên cứu tìm giải pháp. Cùng với đó là động viên học sinh mạnh dạn đề xuất các ý tưởng, sáng kiến của mình. Từ việc NCKH, học sinh sẽ được rèn luyện thói quen tự học, tự nghiên cứu, giúp các em có hứng thú học tập hơn, cũng như biết cách tìm kiếm và tổng hợp tư liệu tham khảo ngoài nguồn giáo viên cung cấp. Bên cạnh đó, các em sẽ có được kỹ năng thực tế khi làm việc với các đơn vị, tổ chức, quần chúng nhân dân liên quan để thực hiện đề tài.
Tại lớp Sinh K22 do cô Liên chủ nhiệm, chúng tôi đã gặp và trò chuyện cùng 3 nhóm tác giả đoạt giải “Sáng tạo trẻ” lần thứ IX do Tỉnh đoàn tổ chức năm 2012. Cùng với mục đích tuyên truyền sâu rộng với các tầng lớp nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường nhưng mỗi nhóm có ý tưởng thể hiện độc đáo riêng. Nhóm tác giả Trương Mạnh Cường - Lê Ngân Hạnh chọn đề tài “Hạn chế sử dụng túi ni lông - Hành động vì một môi trường xanh” nhằm tuyên truyền đến người dân về tác hại của túi ni lông, kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng và chuyển sang dùng túi nhựa phân hủy. Các em đã thiết kế các lô gô, khẩu hiệu sau đó in lên chính túi ni lông, thùng rác và các vật dụng quen thuộc để nhắc nhở người dân mỗi lần nhìn thấy và sử dụng chúng. Hai em cũng đưa ra cách phơi nắng để làm giòn túi ni lông, giúp giảm thời gian phân hủy của chúng. Còn nhóm tác giả Trịnh Thị Thúy An – Nguyễn Thị Lan Anh với đề tài “Thiết kế sản phẩm mang thông điệp bảo vệ nguồn nước” lại chọn cách làm đồ lưu niệm như móc chìa khóa, chân giữ giấy nhớ và vỏ bọc điện thoại, giỏ đựng đồ và hình trang trí… từ các nguyên liệu đơn giản mang những thông điệp bảo vệ nguồn nước. Còn nhóm ba bạn nữ: Nguyễn Thu Hà – Đặng Hương Quỳnh – La Thùy Dung lại chọn cách vẽ tranh hoạt hình để tuyên truyền việc bảo vệ môi trường tới những em nhỏ tuổi từ 6-11 thường có sở thích đọc truyện tranh. Đề tài này đã được Hội đồng giám khảo cuộc thi Quốc gia "Cải thiện sử dụng và bảo vệ nguồn nước" trao giải Nhất và cử tham dự “Tuần lễ nước” tại Stockholm - Thụy Điển.
Đam mê khám phá, hăng say NCKH, đó là những điều chúng tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với các em học sinh ở Trường THPT Chuyên Thái Nguyên. Chia sẻ với chúng tôi, các em đều có chung mong muốn được các nhà khoa học và đơn vị nhà máy sản xuất kết hợp để đưa các sản phẩm trong đề tài các em nghiên cứu được ứng dụng ra thực tế. Riêng nhóm của ba em Thu Hà - Hương Quỳnh - Thùy Dung thì nuối tiếc: Đề tài của chúng em được cử tham dự “Tuần lễ nước” tại Stockholm - Thụy Điển nhưng vì những lý do khách quan từ Ban Tổ chức mà chúng em không thực hiện được. Chúng em chỉ mong muốn rằng, thời gian tới các cấp ngành quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa tới việc NCKH của học sinh…
Từ năm 2004 đến nay, mỗi năm, Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có từ 20-25 đề tài khoa học của học sinh ở các lĩnh vực tin học, khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham dự các cuộc thi cấp tỉnh và Quốc gia, trong đó có 55 đề tài đã đoạt giải (11 giải cấp tỉnh; 36 giải Quốc gia). Đặc biệt, đã có 1 đề tài được tham dự “Triển lãm sáng tạo trẻ Quốc tế” tại Hàn Quốc (năm 2006) và giành Huy chương Bạc; 3 năm liên tục (2010- 2011-2012), Trường đều có học sinh đoạt giải Nhất tại cuộc thi Quốc gia "Cải thiện sử dụng và bảo vệ nguồn nước" do Hội Thiên nhiên Bảo vệ môi trường Việt Nam tổ chức, được cử tham dự “Tuần lễ nước” tại Stockholm – Thụy Điển. |