Các nhà thiên văn học thuộc Trung tâm nghiên cứu thiên văn học, trường Đại học Geneva, Thụy Sĩ đã phát hiện một hành tinh có kích thước gần giống với Trái Đất.
Hành tinh này rất gần với hành tinh xanh của chúng ta và và nó quay quanh một trong những ngôi sao của hệ Alpha Centauri hệ thống sao nằm ở phía Bắc của chòm sao Bán Nhân Mã.
Đây là hành tinh thứ 843 ngoài hệ Mặt Trời kể từ hành tinh đầu tiên, cũng do các nhà thiên văn học Thụy Sĩ phát hiện vào năm 1995. Tuy nhiên hành tinh mới này có hai điều rất đặc biệt.
Thứ nhất, đây là hành tinh đầu tiên có kích thước tương đương Trái Đất và nó cũng quay quanh một ngôi sao gần giống như Mặt Trời của chúng ta. Thứ hai, hành tinh này được phát hiện trong hệ Alpha Centauri hệ thống sao ở gần nhất với Trái Đất.
Giáo sư Stéphane Udry, giám đốc Đài thiên văn, người cũng tham gia với nhóm các nhà thiên văn học nói trên đánh giá, "đây là thời điểm mang tính biểu tượng" vì ngoài hai lý do trên, việc phát hiện ra hành tinh này có thể cho thấy "còn có các hành tinh khác giống Trái Đất trong dải thiên hà của chúng ta".
David Charbonneau, nhà thiên văn học nổi tiếng thuộc trường Đại học Harvard cho rằng, "đây là một khám phá cực kỳ lý thú, nhất là các biện pháp mà họ đã thực hiện để tìm ra hành tinh này."
Hành tinh mới này quay quanh ngôi sao Alpha Centauri B, một trong ba ngôi sao trong hệ Alpha Centauri. Ngôi sao nổi tiếng nhất trong hệ này là Alpha Centauri C hay còn gọi là Proxima Centauri bởi vì đó là ngôi sao gần hệ Mặt Trời nhất, chỉ cách khoảng 4,3 năm ánh sáng (tương đương 41.000 tỷ km).
Hành tinh mới được phát hiện bằng máy quang phổ Harps, một công cụ hoàn hảo nhất hiện nay do Thụy Sĩ xây dựng và lắp đặt trên một kính thiên văn thuộc Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ châu Âu tại bán cầu Nam (European Southern Observatory), đặt tại La Silla, Chile.
Tuy nhiên, ông Xavier Dumusque, tác giả chính của công trình này cho biết: "Có rất ít khả năng tìm thấy sự sống trên hành tinh này vì nằm rất gần với Mặt Trời của nó và chỉ quay quanh Mặt Trời này trong thời gian rất ngắn, khoảng 3,2 ngày, điều này đặt ra giả thuyết là chỉ có nham thạch trên bề mặt hành tinh mới này".
Tuy nhiên, đây thực sự là thành quả của kỹ thuật hiện đại trong ngành thiên văn, đồng thời nó cũng mở ra một niềm hy vọng mới trong cuộc tìm kiếm hành tinh có thể có sự sống giống như Trái Đất.