Phát hiện ngôi mộ cổ xưa nhất của người Maya

13:20, 31/10/2012

Tại Guatemala, các nhà khảo cổ đã tìm ra một ngôi mộ cổ xưa nhất (cách nay trên 2500 năm) của bộ lạc Maya và việc khai quật phát hiện được nhiều cổ vật có giá trị.  

Các vật tùy táng trong mộ giúp người ta đoán được địa vị của chủ nhân. Ảnh: CBS.



Các nhà khảo cổ ở miền Bắc Guatemala đã tìm ra nơi chôn cất các nhân vật thuộc tầng lớp trên của dân tộc Maya vào thời kỳ 770-510 trước công nguyên.

Các chuyên gia cho rằng di tích này là một ngôi mộ cổ xưa nhất của các bộ lạc Maya trong số những ngôi mộ mà các nhà khảo cổ đã biết, nằm trên vùng lãnh thổ Nam Mỹ vốn được xem là vùng lịch sử - văn hoá trải rộng từ trung tâm của Mehicô đến Honduras và Nicaragua.

Các nhà nghiên cứu cho biết, người được chôn cất trong mộ là một ông thầy pháp có tên là K’utz Chman. Còn theo các nhà sử học, ông là người đặt những nền móng đầu tiên xác lập nên nền văn hoá của dân tộc Maya: Kim tự tháp, điêu khắc trên gỗ…

 “Ông ta chính là một trong những thủ lĩnh có quyền lực nhất, đã thống nhất được các bộ lạc Olmec có nền văn minh Maya”, nhà khảo cổ học Miguel Orrego nói với The Daily Mail.

Trong ngôi mộ không tìm thấy một dấu vết nào của thi hài. Các chuyên gia cho rằng trên 2.500 năm, nếu có thì các vật thể hữu cơ cũng đã bị phân huỷ hoàn toàn.

Ngoài ra trong hầm mộ người ta còn thấy có những đá quý và những đồ tuỳ táng khác nữa gồm những chuỗi hạt bằng ngọc nefrit, các chum vai, lọ đựng, những tượng phụ nữ bằng sứ.

 “Sự hiện diện của những đồ tuỳ táng này cho chúng ta biết chủ nhân của ngôi mộ là một lãnh tụ tôn giáo quan trọng và có quyền lực”, nhà khảo cổ học Christ Schiber khẳng định.

Đầu tháng 10, tại Guatemala người ta còn tìm thấy một ngôi mộ khác nữa. Trong quá trình khai quật, các nhà khao cổ phất hiện ra thi hài một bà hoàng của người Maya tên là Kalomte Kabel. Bà là đại diện đầu tiên của tầng lớp quý tộc đã xác định được tên. Trong ngôi mộ cũng có những chiếc bình trang trí đẹp, bức tượng bằng thạch cao của nhà vua cũng như của chính nữ hoàng thời con trẻ.