Thời điểm ngày 1/11 sắp đến đánh dấu thời kỳ tải nhạc trực tuyến "chùa" sắp kết thúc. Tuy nhiên theo ông Phùng Tiến Công - Phó Tổng giám đốc MV Corp, việc thu phí tải nhạc từ máy tính chỉ là bước đầu, sắp tới sẽ thu cả phí tải nhạc từ ĐTDĐ.
Sau sự kiện Zing MP3 bị dính "cây gậy" bản quyền từ Coca Cola và Samsung, "chiếc bánh" nhạc số đã nóng lên.
Tranh "phần sư tử" - phát hành độc quyền
Trong lĩnh vực nhạc số thì Nhacso.net của FPT Telecom là tiên phong. Tuy nhiên, cách làm ăn xổi, thiếu đầu tư mà chỉ chăm chắm thu về, đã khiến Nhacso.net dần tụt hậu. Theo Google AD Planner, chiếm thị phần đứng đầu về nhạc số tại VN hiện nay là Zing MP3 (44%), tiếp đến là Nhaccuatui.vn (27%) và Nhac.vui.vn (20%). Nhacso.net bật khỏi tốp ba và chỉ còn chiếm 5% thị phần.
Song vấn đề là, thị phần đã chia nhưng "miếng" thì chưa nhiều, vì hầu hết là cho nghe và tải miễn phí, nguồn thu có chăng là dựa vào lượng người truy cập nhiều để bán quảng cáo trên website. Tuy nhiên, từ ngày 1/11 tới, khi việc tải nhạc từ máy tính bắt đầu bị thu phí mức 1.000 đồng/bài, thì vấn đề nguồn thu từ việc bán nhạc bắt đầu được hiện thực hoá. Điều này cũng lý giải động thái vì sao gần tới thời điểm này Zing MP3 bị "đánh" cho một "gậy", cho thấy các tổ chức nước ngoài đã định hướng rất rõ: VN sắp thu phí thì phải trả phí cho nhạc số quốc tế.
Tuy nhiên về thị phần bản quyền nhạc số tại VN hiện nay, Zing lại không phải là đơn vị nắm giữ nhiều nhất: MV Corp đứng đầu chiếm đến 47%, các hãng băng đĩa còn lại chiếm 19%, Zing chiếm 14%. Nhưng thị phần của MV Corp lại không bao gồm nhạc quốc tế. Hiện nắm bản quyền nhạc quốc tế tại VN có Nhaccuatui.vn, và mới đây là Zing.
Zing đã chậm trễ trong việc mua bản quyền nhạc quốc tế chỉ vì muốn tranh "phần sư tử": Phát hành độc quyền. Bởi nếu mua độc quyền, Zing MP3 sẽ độc chiếm thị trường VN trong vài năm tới khi nguồn thu trở thành "chiếc bánh" béo bở. Tuy nhiên cả Universal Music và Sony Entertaiment đều không chịu, dây dưa mãi đến lúc bị "ăn gậy" Zing phải vội ký hợp tác với Universal Music để xử lý khủng hoảng.
Qua đó cho thấy, những tham vọng đã hình thành và đã được thể hiện trên thị trường nhạc số. Trong đó, MV Corp đã là một thế lực lớn đối với bản quyền nhạc số trong nước. Cty này liên kết với các website nhạc số lớn tại VN sẽ tạo nên một nền tảng cho việc thu lợi về sau.
Đón đầu tương lai
Đầu tư vào bản quyền nhạc số bây giờ không sớm nhưng cũng chưa muộn. "Tấm gương" thất bại thảm hại của Nhacso.net là một bài học quý giá về kinh doanh cho các website khác. Ông Nhan Thế Luân - Tổng Giám đốc Nhaccuatui.vn - cho biết: "Các tổ chức nước ngoài không bán độc quyền cho chúng ta và Nhaccuatui cũng khó mua nổi vì giá rất cao. Mấy năm nay, Nhaccuatui còn chịu lỗ chứ nguồn thu từ nhạc số chưa đủ chi phí. Ngay cả các tổ chức nước ngoài cũng nhìn về thị trường VN như một triển vọng".
Thế nhưng một khi đã thu phí tải nhạc thì sẽ khác, giúp các website nhạc số có động lực và kinh phí để đầu tư. Ông Phùng Tiến Công cho biết, mức thu 1.000 đồng/bài đủ để các bên trang trải chi phí và thậm chí có lãi chút đỉnh. Tuy nhiên, MV Corp vẫn chưa đặt nặng vấn đề doanh thu trong thời gian đầu.
Theo báo cáo của Cimigo Netizen Report 2012, tỉ lệ nghe nhạc trực tuyến chiếm 77% và tỉ lệ tải nhạc chiếm 59% lượng người dùng Internet tại VN. Lượng người nghe nhạc trực tuyến bằng máy tính hiện đạt khoảng 25 triệu người, dùng qua ĐTDĐ khoảng 6 triệu người. "Khi việc thu phí tải nhạc từ ĐTDĐ được triển khai thì chắc chắn nguồn thu sẽ lớn lên nhiều", ông Công cho biết.
Vì "chiếc bánh" nhạc số béo bở trong tương lai mà các bên phải tranh phần từ bây giờ. Song, để chịu được chi phí cho tới ngày hái "quả ngọt" ấy thì các đơn vị kinh doanh nhạc trực tuyến phải làm những thứ khác để nuôi nhạc số, như Nhaccuatui phải nhảy qua cung cấp dịch vụ game online đã mấy tháng nay, và MV Corp cũng chuẩn bị nhảy sang lĩnh vực này.