Bí mật phía sau chiếc iMac siêu mỏng của Apple

15:00, 16/11/2012

Có một điểm chung trong gần như tất cả các sản phẩm của Apple đó chính là chúng thường rất mỏng.

Với mong muốn tạo ra những sản phẩm tuyệt vời nhất nhưng gọn nhẹ nhất cho người dùng, Apple luôn hướng tới độ mỏng trong tất cả các sản phẩm từ iPhone, MacBook cho tới iPod. Điển hình như chiếc iPhone 5 mới nhất của họ cũng nằm trong danh sách những chiếc điện thoại mỏng nhất hiện nay.

Biết là thế nhưng khi trình làng chiếc iMac mới 21,5 và 27 inch tại sự kiện hồi cuối tháng 10, Apple vẫn gây sốc cho không ít người khi họ cho ra mắt chiếc iMac mới siêu mỏng đến khó tin: rìa màn hình chỉ dày 5 mm. Độ mỏng của iMac mới đến từ loại màn hình siêu mỏng mà Apple trang bị cho iMac kết hợp với công nghệ hàn tiên tiến trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ mà Apple áp dụng vào sản phẩm.

Khối lượng của iMac mới cũng giảm tới 40% so với iMac cũ. Màn hình LCD của iMac mới mỏng hơn 45% so với người tiền nhiệm. "Màn hình OLED hiện nay thường mỏng và nhẹ hơn khá nhiều so với LCD, nhưng dường như Apple lại tìm được cách để đảo ngược thực tế này. Bất kì loại màn hình nào có thể đạt được độ mỏng gần ngang ngửa với OLED thì có thể coi là rất tuyệt vời" - nhà phân tích Vinita Jakhanwal của IHS cho biết.

Một ví dụ là tại CES năm ngoái, LG giới thiệu chiếc màn hình OLED 55 inch với độ dày chỉ 4 mm. Trước đó vài năm, Sony cũng từng demo chiếc TV OLED 11 inch chỉ dày 3 mm. Với độ mỏng 5 mm của iMac, có thể nói rằng màn LCD sắp đạt được độ mỏng ngang ngửa với OLED.

Nhà phân tích Paul Semenza của NPD DisplaySearch giải thích vì sao Apple có thể sản xuất được màn hình iMac mỏng đến thế cũng như lợi ích từ quá trình đó. Semenza cho biết Apple "đã sử dụng liên kết quang học (optical bonding) hay còn gọi là "cán mỏng" tấm nền LCD để thu hẹp khoảng cách giữa panel với lớp kính bảo vệ, giúp giảm độ dày tổng thể của màn hình. Liên kết quang học này cũng loại bỏ các phản xạ giữa phần bên trong kính bảo vệ và bên ngoài panel, giúp cải thiện chất lượng hình ảnh".


Điều này nghe khá giống với công nghệ mà Apple đã dùng để sản xuất màn hình cho iPhone 5 nhưng trong thực tế thì tính phức tạp ít hơn. Màn hình của iPhone có độ phân giải cao hơn và được tích hợp cảm biến cảm ứng (touch sensing) nên khó sản xuất hơn. Nhà phân tích Jakhanwal cũng cho biết Corning (công ty sản xuất kính Gorilla Glass được các nhà sản xuất smartphone, tablet dùng để bảo vệ màn hình thiết bị) và các công ty sản xuất kính khác cũng đã nỗ lực để giảm bớt độ dày của kính bảo vệ. Trong một vài năm gần đây, các loại kính bảo vệ màn hình đã giảm độ dày từ 0,7 mm xuống 0,3 mm.

Một bí quyết nữa để Apple có thể sản xuất được iMac siêu mỏng đó là họ sử dụng công nghệ hàn ma sát xoay (friction stir welding FSW). Đây là phương pháp thường chỉ được áp dụng trong ngành hàng không như sản xuất cánh máy bay hay xe tăng phóng tên lửa, các lĩnh vực cần tới các kết nối an toàn, liền mạch. Công nghệ này thậm chí còn được dùng trong tàu vũ trụ con thoi (Space Shuttle).

FSW là một tiến trình trạng thái rắn (solid-state), có nghĩa là nhà sản xuất không làm nóng chảy kim loại. Mô tả 1 cách đơn giản là công nghệ này sử dụng 1 công cụ xoay ép bề mặt của 2 tấm kim loại chồng lên nhau. Công cụ xoay có 1 phần lồi ra và phần này sẽ trám vào khe hở giữa các tấm kim loại và được ép xuống dọc theo chiều dài của đầu nối. Quá trình này sẽ sinh ra nhiệt ma sát làm mềm 2 bề mặt và nối chúng lại với nhau.

FSW do Wayne Thomas tại công ty TWI Ltd của Anh phát minh ra. TWI Ltd là công ty nghiên cứu và công nghệ độc lập tại Anh Quốc. Do công nghệ này đã được đăng kí bằng sáng chế nên Apple đã mua giấy phép công nghệ này để sản xuất cho iMac. Đại diện của hãng này cho biết chi tiết của thỏa thuận giữa họ và Apple là thông tin bí mật nhưng có vẻ như Apple là công ty đầu tiên triển khai công nghệ này. Và nếu như các hãng khác cũng muốn áp dụng công nghệ này cho sản phẩm của họ, chắc chắn rằng TWI sẽ rất "đắt hàng" trong thời gian tới.