Tương lai khó lường của cà phê

09:01, 15/11/2012

Biến đổi khí hậu có thể đẩy ngành công nghiệp cà phê tới viễn cảnh u ám trước khi thế kỷ 21 kết thúc.

Cà phê Arabica hoang chiếm một vị trí quan trọng đối với sự bền vững của ngành công nghiệp cà phê bởi sự đa dạng về nguồn gene của nó.

Arabica và Robusta là hai loài cà phê chủ yếu được sử dụng để sản xuất cà phê thương mại, mặc dù loài Arabica chiếm tới 70% tổng sản lượng cà phê. Thế nhưng, nguồn gene hạn chế của cà phê Arabica trong các đồn điền lại thích nghi khá kém với tình trạng biến đổi khí hậu và những hiểm họa khác như sâu bọ, bệnh tật.

Các nhà khoa học của Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew (Anh) và Diễn đàn Môi trường và Rừng cà phê (ECFF) tại Addis Ababa (Ethiopia) đã sử dụng một mô hình khí hậu để dự đoán tình trạng phân bố của cà phê Arabica ngoài môi trường hoang dã trong tương lai, BBC đưa tin.

Nhóm nghiên cứu xem xét tác động mà cà phê Arabica hoang có thể hứng chịu theo ba kịch bản về khí thải carbon trong bai khoảng thời gian (2020, 2050 và 2080).

Họ nhận thấy sản lượng của những đồn điền cà phê hiện nay có thể giảm từ 65% tới 99,7% vào năm 2080.

Một phương pháp phân tích khác cho thấy sản lượng cà phê Arabica có thể giảm từ 38% tới 90%.

“Sự tuyệt chủng của cà phê Arabica là một viễn cảnh bất ngờ và đáng lo ngại. Tuy nhiên, mục đích của nghiên cứu này không phải là khiến dư luận hoang mang bởi những dự báo về sự biến mất của cà phê Arabica trong môi trường hoang dã. Chúng ta chỉ nên coi kết quả nghiên cứu là cơ sở để đánh giá tình hình và định hướng hành động để bảo vệ cà phê Arabica”, Aaron Davis, trưởng bộ phận nghiên cứu cà phê của Vườn Bách thảo Hoàng gia Anh, phát biểu.