Năm 2012, KH-CN Thủ đô ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, làm tiền đề cho việc triển khai Chiến lược phát triển KH-CN thành phố Hà Nội đến năm 2020. Dù vậy, trong một hội nghị KH-CN của thành phố được tổ chức tuần qua, các nhà khoa học, nhà quản lý vẫn bày tỏ nhiều ý kiến nhằm khai thông vướng mắc cho lĩnh vực này.
Tỷ lệ ứng dụng cao
Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội, nhờ chú trọng hiệu quả của công tác nghiên cứu, ứng dụng kết quả vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, tỷ lệ ứng dụng của các đề tài trong năm 2012 đã đạt con số rất ấn tượng, trên 70%. Các đề tài trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tập trung chủ yếu vào hướng ứng dụng công nghệ, sản phẩm mới, xây dựng mô hình quản lý mới. Nhiều giống cây ăn quả đặc sản, giống lúa lai năng suất cao cho vùng ngoại thành đã được phát triển. Nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách được đề xuất và đưa vào áp dụng trong thực tiễn đã cho hiệu quả kinh tế, xã hội cao, giúp các nông hộ, trang trại, doanh nghiệp phát huy tiềm năng về giống, đất đai và những lợi thế của các tiểu vùng sinh thái. Việc quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên đất và nước đã góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp.
Hoạt động thẩm định, đánh giá công nghệ đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của thành phố. Sở KH-CN đã tham gia đóng góp ý kiến cho một số dự án đầu tư trọng điểm như Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy xử lý rác Nam Sơn, dự án xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Hà Nội…
Năm qua, công tác sở hữu trí tuệ cũng khởi sắc với 16 tổ chức, cá nhân được tư vấn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Trong đó, có 2 sáng chế, giải pháp hữu ích, 3 kiểu dáng công nghiệp và 10 nhãn hiệu hàng hóa. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể "Tranh thêu Thường Tín" đã được hoàn thành. Một số sản phẩm đặc sản khác cũng đã được tổ chức nghiệm thu như "Nón chuông" của Thanh Oai, "Bưởi tôm vàng" của Đan Phượng, "Nhãn chín muộn" của Hoài Đức, "Rau hữu cơ" của Sóc Sơn…
Trăn trở thu hút nhân tài
Nhiều nhà khoa học đều khẳng định, KH-CN Thủ đô đã chọn đúng hướng đi với việc đi tắt, đón đầu, thực hiện cơ cấu công nghệ kết hợp nhiều trình độ, ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao công nghệ là chính, đi thẳng vào công nghệ hiện đại đối với các ngành mũi nhọn. Nhưng như Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long đề xuất với ngành nông nghiệp Hà Nội, Thủ đô nên làm nông nghiệp theo hướng du lịch sinh thái bởi rất phù hợp với môi trường thay vì chỉ chú trọng sản xuất hàng hóa. Nông nghiệp sản xuất cũng nên theo hướng sử dụng công nghệ cao, tập trung vào chất lượng cao và "sạch". Có nhà khoa học còn gợi ý, bên cạnh việc ưu tiên công nghệ ứng dụng để giải quyết những vấn đề bức xúc của Thủ đô, Hà Nội nên và có thể đảm đương nhiều hơn nữa các đề tài mang tính quốc gia, vì lợi ích của người dân Hà Nội và cả nước.
Thẳng thắn góp ý cho công tác quản lý nhà nước, các nhà khoa học cho rằng, việc đặt hàng nghiên cứu còn nhiều hạn chế. Các ban, ngành, sở chuyên môn chưa thực sự vào cuộc nên chủ yếu là Sở KH-CN phải tự "nghĩ ra" đề tài. Hoạt động của Hội đồng Khoa học Hà Nội cũng cần được đẩy mạnh để tập hợp giới trí thức tham mưu cho thành phố. Sự liên kết, phối hợp với Liên hiệp Các hội KHKT Hà Nội cũng được nhiều người nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc thu hút nhân tài tiếp tục là điều trăn trở của các chuyên gia. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long đặt vấn đề, liệu Hà Nội có thể đưa ra cơ chế trải thảm đỏ như Đà Nẵng được hay không? Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, với Hà Nội, nơi quy tụ đội ngũ trí thức, nhà khoa học đông đảo, việc mời gọi nhân tài không phải quá khó khăn. Điều cần nhất là phải có cơ chế sử dụng, đãi ngộ để họ phát huy chất xám của mình. Theo ông Nguyễn Chí Mỳ, Hà Nội đang có một kho "vàng ròng" nhân tài nhưng chưa sử dụng hiệu quả.
Trên thực tế, sau khi Hà Nội có chính sách "trải thảm đỏ", đã có 200 thủ khoa đăng ký cống hiến cho Thủ đô, song đáng buồn là nhiều người chỉ làm việc trong thời gian ngắn rồi ra đi. Vấn đề này trở thành một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển KH-CN của thành phố. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng chính sách thu hút tài năng trẻ vào làm việc tại các tổ chức KH-CN, sử dụng các chuyên gia, nhà khoa học đã nghỉ hưu, hình thành các tập thể khoa học giỏi. Môi trường, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tiếp tục được hoàn thiện bằng việc tạo ra chính sách phù hợp. Thành phố cũng sẽ mời Việt kiều chuyển giao công nghệ về nước, trọng dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực trình độ cao trong nước và thuê chuyên gia nước ngoài làm "tổng công trình sư" chủ trì các nghiên cứu và công trình trọng điểm.
Với những giải pháp mạnh tập trung vào vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, hy vọng "kho vàng" nhân tài của Hà Nội sẽ không còn bị lãng phí.