Năm 2012, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội được tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện và đã có sự chuyển biến tích cực. Song, để xây dựng được một nền hành chính hiện đại, vì dân thì còn rất nhiều việc phải làm. Hiện TP đã đặt ra những kế hoạch trọng tâm, cụ thể cho thời gian tới với nhiều nội dung thiết thực...
Triển khai đồng bộ
Dấu ấn trong năm qua là sau một năm triển khai Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức", nhìn chung các đơn vị đã thực hiện khá nghiêm túc việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo tiền đề cho việc đạt được các mục tiêu đã đề ra. Chất lượng phục vụ người dân được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tiêu biểu là bộ phận "một cửa" của UBND quận Thanh Xuân và 11 phường trên địa bàn quận đã bảo đảm 100% là công chức, trong đó 7/7 cán bộ "một cửa" cấp quận có trình độ ĐH; 24/26 cán bộ "một cửa" cấp phường có trình độ ĐH. Hay như huyện Thanh Trì đã thực hiện đúng quy định về tuyển dụng CBCCVC bảo đảm cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh CCVC các đơn vị thuộc huyện, 100% cán bộ lãnh đạo có trình độ ĐH và chuyên môn phù hợp; 100% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định, trong đó có 80% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ ĐH. Điểm nổi bật nhất trong công tác CCHC là nhiều đơn vị đã đầu tư hiện đại hóa nền hành chính. 3/20 sở, ngành và 21/29 UBND quận, huyện, thị xã đã triển khai ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) với các thiết bị phục vụ công dân tra cứu như: ki-ốt tra cứu, màn hình cảm ứng, thiết bị đọc mã vạch; 20/20 sở, ngành và 100% UBND quận, huyện, thị xã đã kết nối mạng LAN internet, trang bị máy tính phục vụ cán bộ tiếp nhận hồ sơ. 15/20 sở, ngành và 29/29 UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm "một cửa điện tử"; 11 quận, huyện đã triển khai phần mềm "một cửa" xuống các xã, phường trực thuộc.
Cùng đó, việc công khai, minh bạch các TTHC và các quy trình giải quyết cũng được các đơn vị thực hiện nghiêm túc, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân. UBND TP đã công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 175 TTHC (thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, y tế, đầu tư, đất đai, công thương…). Hiện Cổng giao tiếp điện tử của TP đã công khai 2.335 thủ tục, trong đó có 1.897 TTHC của sở, ban, ngành (gồm cả các cơ quan hiệp quản); 281 TTHC của khối quận, huyện, thị xã và 157 TTHC của khối phường, xã, thị trấn. TP cũng đã thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức. Trong năm 2012, riêng UBND TP Hà Nội đã tiếp nhận và xử lý 60 trường hợp phản ánh, kiến nghị.
Phát huy tiềm năng
Hà Nội vốn được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế về CNTT và việc ứng dụng vào CCHC đã được thực hiện khá hiệu quả. Hầu hết các đơn vị đã lắp đặt camera tại bộ phận "một cửa" và các đơn vị trực thuộc. Nhiều nơi đã thực hiện dịch vụ công mức 1, 2, 3. Huyện Từ Liêm đã triển khai phần mềm tính thuế để vận hành quy trình "một cửa" liên thông. Cục Thuế Hà Nội đã triển khai dự án hiện đại hóa thu ngân sách giữa các cơ quan thuế - kho bạc - hải quan - tài chính và ủy nhiệm thuế qua các ngân hàng thương mại... Đặc biệt, TP đã chỉ đạo 5 quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Thạch Thất, Từ Liêm, Chương Mỹ xây dựng đề án thí điểm "cơ quan điện tử".
Theo dự thảo Quy hoạch Phát triển CNTT TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, mục tiêu tổng quát là đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu về ứng dụng và phát triển CNTT trong cả nước, trong đó có nội dung: Đứng đầu trong xây dựng chính quyền điện tử. Theo lộ trình, Hà Nội phấn đấu hoàn thành cơ bản xây dựng hệ thống Chính quyền điện tử TP vào năm 2015. Đây thực sự là nhiệm vụ đầy khó khăn, rất cần nỗ lực mới có thể đạt được. Nhất là khi mới đây, Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông năm 2012 (do Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT thực hiện) đã cho thấy: Hà Nội bị tụt hạng, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành; lùi ba bậc so với vị trí năm 2011 và lùi 7 bậc so với năm 2010.
Công tác CCHC muốn có hiệu quả thì không thể thiếu việc ứng dụng CNTT. Trong khi đó, hiện trạng về CNTT của Hà Nội hiện giờ so với các mục tiêu đề ra còn một khoảng cách dài. Hy vọng rằng, mỗi đơn vị sẽ nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề, chủ động thực hiện công việc, góp phần đưa Hà Nội tiến gần hơn đến mô hình "Chính quyền điện tử".