Vấn đề ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Sông Công (thị xã Sông Công) vài năm trước đây đã từng được coi là khá nghiêm trọng. Đến nay, tình hình đã có chuyển biến tích cực, bởi sự cố gắng trong công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, cũng như sự thể hiện trách nhiệm, ý thức của từng đơn vị sản xuất tại đây…
Công ty CP Thép Toàn Thắng đã từng là một đơn vị gây “sự chú ý” của các cơ quan chức năng và dư luận về tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, như: Xả khí thải vượt QCVN 19/2009; chưa có sổ đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại; chưa có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và chưa được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Văn Mùa, Giám đốc Công ty cho biết: Nguyên nhân là năm trước Công ty mới ở giai đoạn sản xuất thử nghiệm, hệ thống lọc bụi khí sử dụng công nghệ cũ nên không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải đầu ra.
Xác định bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quan trọng cho phát triển bền vững, cuối năm 2012, Công ty đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng hệ thống hút khói, lọc bụi bằng túi vải hiện đại. Tháng 2 vừa qua, hệ thống đã chính thức được vận hành, giải quyết gần như triệt để vấn đề ô nhiễm khói bụi phát sinh từ sản xuất, đồng thời Công ty cũng đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định để được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Là một đơn vị đi vào hoạt động từ khá sớm tại Khu công nghiêp (KCN) Sông Công, Nhà máy thép Trường Sơn, thuộc Công ty TNHH Minh Bạch luôn được đánh giá thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Toàn bộ khí thải phát sinh khi nấu luyện phôi thép được thu hồi và xử lý qua một hệ thống dập bụi khí. Hệ thống này cũng như dây chuyền sản xuất thường xuyên được Nhà máy bảo dưỡng, qua đó vừa giảm tiếng ồn, hao mòn máy móc, đồng thời luôn đảm bảo tiêu chuẩn khí thải trong phạm vi cho phép. Năm 2012, Nhà máy đã chi cho công tác bảo vệ môi trường khoảng 200 triệu đồng, trong đó có việc cứng hóa 750m2 đường nội bộ, nhằm một trong những mục đích là giảm bụi trong môi trường sản xuất…
Các ví dụ trên phần nào cho thấy, những đơn vị dù mới đi vào hoạt động hoặc đã có thâm niên “đóng chân” tại KCN Sông Công cũng đều đang có những cố gắng, hơn nữa là ý thức trong việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, mặc dù đa phần đang gặp nhiều khó khăn (80% doanh nghiệp giảm công suất). Theo thông tin từ Ban Quản lý các KCN tỉnh thì 20/23 doanh nghiệp - DN (không tính các DN đang tạm dừng sản xuất, hoặc hoạt động trong lĩnh vực không phát sinh ô nhiễm môi trường) có báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết và đề án bảo vệ môi trường; tất cả các DN có phát sinh nước thải đã đầu tư công trình xử lý nước thải sơ bộ; 9/11 DN có phát sinh khí thải đã có hệ thống xử lý và đa phần các DN đều thực hiện quan trắc giám sát môi trường theo quy định…
Theo kết quả quan trắc môi trường đợt 4 năm 2012 thì tất cả thông số của các mẫu khí thải tại KCN Sông Công đều nằm dưới giới hạn cho phép. Các chỉ tiêu kim loại nặng trong nước thải và bùn thải cũng giảm đáng kể so với các năm trước đây. Cơ bản các đơn vị sản xuất có nước thải đã đấu nối vào hệ thống thu gom của Nhà máy Xử lý nước thải KCN. Phần lớn các chất thải rắn được phân loại ngay tại nguồn phát sinh (các phân xưởng của mỗi nhà máy được trang bị 3 thùng đựng chất thải để phân loại). Chất thải nguy hại được thu gom và lưu trữ tạm thời vào khu vực riêng của từng DN, có mã số nhận biết. Ông Vũ Bá Mười, Phó Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, tình hình môi trường hiện nay tại KCN Sông Công đã được cải thiện rất nhiều so với cách đây vài năm. Điều đó cho thấy sự chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các chủ DN, đồng thời cũng là sự cố gắng của họ trong bối cảnh khó khăn. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường ngày càng được Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thường xuyên và hiệu quả.
Cuối năm 2012, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành đợt kiểm tra quy mô nhất từ trước đến nay đối với các DN trong việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường. Kết luận kiểm tra, bên cạnh việc ghi nhận những chuyển biến tích cực cũng chỉ ra đầy đủ những tồn tại, hạn chế của một số DN và ra hạn cụ thể, yêu cầu các đơn vị này sớm có biện pháp khắc phục. Mới đây, ngày 27-2, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã ra văn bản đôn đốc các DN thực hiện những biện pháp khắc phục tồn tại về bảo vệ môi trường theo Kết luận kiểm tra. Những đơn vị không chấp hành khắc phục đúng hạn, Ban sẽ lập biên bản và có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo luật định.
Hiện nay, Công ty Phát triển hạ tầng (thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh) đang gấp rút tiến hành các thủ tục, để xây dựng bổ sung hệ xử lý hóa lý cho Nhà máy Xử lý nước thải tập trung của KCN. Khi hạng mục này hoàn thành, cùng với thiết bị quan trắc môi trường nước tự động mới được vận hành (vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng từ ngân sách) sẽ đảm bảo chế độ hoạt động ổn định của Nhà máy, đảm bảo chất lượng nước xả thải theo Quy chuẩn Việt Nam.