Cả hai hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu là IDC và Gartner đều đưa ra những con số giật mình, báo động đỏ về thị trường PC trong ba tháng đầu năm 2013.
Cụ thể, IDC cho biết doanh số PC xuất xưởng trong quý đầu tiên của năm giảm mạnh tới 14%, cao hơn rất nhiều so với mức 7,7% dự đoán trước đó. Đà tuột dốc này là "tồi tệ nhất theo đơn vị quý" kể từ khi IDC bắt đầu khảo sát thị trường PC vào năm 1994.
Trong khi đó, hãng Garner tiết lộ thị trường PC sụt giảm 11%, lần đầu tiên tụt dưới ngưỡng 80 triệu máy kể từ năm 2009 trở lại đây.
Tất cả các khu vực đều suy giảm, bất chấp tại Mỹ và châu Á, bối cảnh kinh tế đã có nhiều khởi sắc, cả hai hãng nhấn mạnh. Điều đáng nói hơn là sự ra mắt của hệ điều hành Windows 8, nhân tố chính được kỳ vọng sẽ giúp thị trường PC phục hồi vẫn chưa phát huy được tác dụng.
Kể cả khi người dùng tỏ ra hứng thú với PC màn hình cảm ứng thì giá thành cao vẫn khiến họ chùn tay mua sắm. Thậm chí, trong mắt một số khách hàng, những công nghệ và phát minh mới mà các hãng PC đưa vào sản phẩm của mình chỉ khiến sản phẩm "phức tạp hoặc đắt đỏ hơn", IDC cho hay.
"Giao diện người dùng khác biệt, sự biến mất của nút Start quen thuộc, giá thành cao khiến cho PC trở nên thiếu sức hấp dẫn khi phải so sánh với máy tính bảng", một chuyên gia của IDC phân tích.
Tại Mỹ và châu Á-Thái Bình Dương, lượng PC xuất mới giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Châu Âu, Trung Đông, châu Phi cùng giảm tới 2 con số. "Thật khó để tìm thấy điểm sáng trong báo cáo thị trường quý này, ngoại trừ việc một số hãng PC châu Á đang chiếm được thị phần cao hơn ở Mỹ. Có thể kể đến những cái tên như Lenovo, Samsung hay Asus đã "tìm thấy cơ hội và khoan sâu vào điểm yếu của các đối thủ, đồng thời kinh doanh một cách hợp lý và khôn ngoan", IDC chia sẻ.
Mặc dù vậy thì ba hãng nói trên vẫn chỉ là những đối thủ thứ yếu ở Mỹ (chỉ có Lenovo là góp mặt trong Top 5). Doanh số của Lenovo tại Mỹ tăng 13% trong quý I nhưng giậm chân tại chỗ trên quy mô toàn cầu. Gartner thì nhấn mạnh rằng tốc độ tăng trưởng của Lenovo đang ở mức chậm nhất kể từ đầu năm 2009 trở lại đây, chủ yếu là do sức tiêu thụ của thương hiệu này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nguội đi rõ rệt. Dù vậy thì Lenovo vẫn là hãng Á quân thế giới về doanh số, chỉ sau HP.
Về phần Samsung, đóng góp không nhỏ cho thành công của hãng này chính là dòng máy Chromebook sử dụng hệ điều hành Chrome của Google. Dù thị phần khiêm tốn song chúng vẫn đang tăng trưởng đều đặn hàng quý.
Ngược lại, 3 gương mặt trong Top 5 là HP, Dell và Acer vẫn giảm đều. Doanh số của HP giảm tới 24% trên phạm vi toàn cầu và 23% tại Mỹ, theo cả IDC lẫn Gartner. Acer chứng kiến mức sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử hãng này khi doanh số toàn cầu giảm 31% (IDC) và 29% (Gartner).
Lời khuyên mà các hãng nghiên cứu đưa ra là giới sản xuất PC cần xem xét lại các chiến lược kinh doanh của mình để giải quyết những nhu cầu thiết thân của người dùng, bởi chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy đà suy thoái của thị trường PC sắp kết thúc. "Đây là một cơn bão toàn diện. Chúng ta không thể chỉ vào một điểm duy nhất và nói, cứu tinh đây rồi. Phải có sự cải tổ trên toàn bản đồ, từ tất cả các phía", IDC khẳng định.