Một nửa trong số 9 tỷ dân thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt vào năm 2050, nếu các chính phủ thất bại trong việc hợp tác bảo vệ nguồn nước.
Lời cảnh báo trên được 500 nhà khoa học trên khắp thế giới đưa ra tại Hội nghị về Nguồn nước vừa diễn ra tại thành phố Bonn của Đức.
Theo các nhà khoa học, nước ngọt không phải là nguồn tài nguyên có thể tái tạo vô tận bởi trong nhiều trường hợp, nguồn nước ngầm được con người khai phá không thể phục hồi nhanh chóng.
Giáo sư Stuart Bunn, Giám đốc Viện Sông ngòi Australia thuộc trường Đại học Griffith, cho biết có nhiều nguyên nhân tác động đến nguồn nước như khí hậu thay đổi, môi trường ô nhiễm, lạm dụng nguồn nước và quản lý yếu kém. Biến đổi khí hậu có thể làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt và bão.
Chất thải phân bón nông nghiệp chứa nitơ đã gây ra hơn 200 “vùng chết” tại các biển và cửa sông. Công nghệ giá rẻ để bơm nước từ lòng đất và sông dẫn đến việc sử dụng quá mức hay lãng phí nguồn nước cho thủy lợi và các ngành công nghiệp khác.
Ngoài ra, dân số tăng nhanh cũng đẩy mức cầu vượt cung.
Các nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do có ít khả năng phục hồi. Những người sống tại các khu vực xung đột, bất ổn chính trị sẽ càng gặp nhiều khó khăn vì sự cạnh tranh tài nguyên nước.
Các nước phát triển cũng sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ thiếu nước. Thí dụ, tại châu Âu, một số nguồn nước đang dần cạn kiệt bởi sự khai thác quá mức cho tưới tiêu mà không theo bất cứ kế hoạch phát triển bền vững nào.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã kêu gọi giới chính trị gia đề ra những mục tiêu mới để cải thiện nguồn nước theo các mục tiêu phát triển bền vững, thay thế các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, vốn sẽ hết hiệu lực vào năm 2015.