Loài người biết sử dụng công cụ phức tạp từ 1,4 triệu năm trước

14:55, 19/12/2013

Từ một mảnh hóa thạch xương bàn tay người có niên đại 1,4 triệu năm vừa được khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện được rằng khả năng sử dụng các công cụ phức tạp của loài người đã xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với các giả thuyết trước đây.

Một đặc điểm quan trọng giúp phân biệt loài người hiện đại với toàn bộ những loài động vật khác hiện nay chính là khả năng chế tạo các công cụ phức tạp. Loài người có được khả năng này không chỉ nhờ có bộ não cực kỳ mạnh mẽ mà còn nhờ những đặc điểm khác biệt ở hai bàn tay.

 

Ngược lại, ở loài khỉ, họ hàng gần gũi nhất của loài người, lại thiếu một nắm nắm tay mạnh mẽ và chính xác để tạo ra và sử dụng hữu hiệu các công cụ phức tạp. Một trong những đặc điểm giải phẫu học của bàn tay người hiện đại chính là đốt xương bàn tay thứ ba, một đoạn xương nối ngón tay giữa với cổ tay.

 

Bà Carol Ward, một nhà giải phẫu học và cổ nhân loại học tại trường ĐH Missouri, trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích: “Loài người có một mấu xương nhỏ trong đốt xương bàn tay thứ ba giúp chúng ta có được khả năng sử dụng công cụ. Mẩu xương nhỏ xíu trong lòng bàn tay này đã giúp ngón cái và các ngón tay tạo ra sức ép mạnh mẽ hơn lên cổ tay và lòng bàn tay. Đó là một phần trong toàn bộ các đặc điểm phức tạp giúp chúng ta có được sự khéo tay và sức mạnh để chế tạo và sử dụng các công cụ phức tạp”.

 

Cho tới nay, người ta chỉ mới phát hiện mấu xương hình trâm này trên cơ thể người hiện đại, người Neanderthal và những người tiền sử khác. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết rõ khi nào thì mẩu xương này xuất hiện trong quá trình tiến hóa của loài người.

 

Giờ đây, các nhà khoa học đã khám phá được một mảnh hóa thạch xương bàn tay có niên đại lên tới 1,5 triệu năm có đặc điểm giải phẫu học quan trọng này. Điều này có nghĩa là khả năng cầm nắm của loài người đã xuất hiện sớm hơn tới nửa triệu năm so với các giả thuyết trước đây về việc này.

 

Miếng hóa thạch xương bàn tay này đã được các nhà khoa học khai quật ở bắc Kenya, tại một địa điểm mà người ta đã từng phát hiện được các công cụ nền văn hóa Acheulean. Những công cụ này, được chế tạo từ khoảng 1,8 triệu năm trước, được xem như những công cụ đồ đá phức tạp lâu đời nhất cho tới nay.

 

Có niên đại khoảng 1,42 triệu năm, mảnh hóa thạch này được cho là thuộc về một giống người hiện đại đi bằng hai chân đã tuyệt chủng, tổ tiên cổ xưa nhất của loài người hiện đại.

 

Bà Ward cho rằng, nhờ việc phát hiện được loài người ngay từ thuở sơ khai đã có một đặc điểm xương bàn tay giống người hiện đại, hóa thạch này “đã cho thấy đặc điểm này có thể là một sự thích ứng từ trước để chuẩn bị cho toàn bộ những khả năng sẽ xuất hiện sau này”

 

Các nhà khoa học hiện đang muốn tìm kiếm những miếng xương tay có niên đại cao hơn “để tìm hiểu đặc điểm này đã tiến hóa từ bao giờ”. Bà Ward và các đồng nghiệp của mình đã công bố khám phá của mình trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.