Vấn đề ô nhiễm không khí của Trung Quốc vốn đang xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây, đã có thời gian 30 năm tích tụ trước khi bùng phát.
Nguồn gốc ô nhiễm tại Trung Quốc
Theo giáo sư Daniel K. Gardner tại Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Smith, Northampton (Mỹ), khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra chiến lược cải cách, mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc vào cuối những năm 1970, nước này bắt đầu tăng trưởng ổn định và dần thoát ra khỏi tình trạng ảm đạm, chủ yếu thông qua đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng. Kể từ đó, GDP của nước này đã tăng khoảng 10% mỗi năm, và giờ đây Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Công nghiệp hóa, nền tảng của sự bùng nổ kinh tế của Trung Quốc, dựa vào việc khai thác nguồn năng lượng khổng lồ mà hầu hết trong đó - khoảng 70% - là từ than đá. Ngày nay, Trung Quốc tiêu thụ than nhiều hơn tất cả các nước trên thế giới cộng lại. Và mỗi tấn than bị đốt cháy tạo ra hơn một tấn chất ô nhiễm, bao gồm các chất như carbon dioxide, chất thải, sulfur dioxide và thủy ngân.
Cùng với sự thịnh vượng về kinh tế, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã tăng lên chóng mặt, dẫn đến tăng nhu cầu tiêu thụ: mua tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh, máy sưởi và xe hơi... (tất cả chúng đều khiến gia tăng đáng kể nhu cầu tiêu thụ năng lượng). Năm 1978, không có một chiếc xe ô tô nào thuộc sở hữu tư nhân ở Trung Quốc, nhưng ngày nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ xe hơi lớn nhất thế giới, khoảng 20 triệu chiếc chỉ tính riêng năm 2013. Những chiếc xe này thải một lượng lớn khí độc ra môi trường.
Than và xe hơi là thủ phạm chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Cáp Nhĩ Tân và Thượng Hải và vô hình chung biến ngày thành đêm tại những đô thị này. Không có gì đáng ngạc nhiên về sự nguy hiểm đối với con người khi hít phải những loại khí độc trên.
Những nghiên cứu khoa học mới được công bố trong năm vừa qua cho thấy: Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc đã khiến 1,2 triệu người chết sớm trong năm 2010; Từ năm 1981 đến năm 2001 tuổi thọ trung bình của người dân sống ở khu vực phía bắc thấp hơn so với ở phía nam Trung Quốc khoảng 5,5 năm, chỉ đơn giản là do độ ô nhiễm ở 2 khu vực trên chênh nhau khoảng 55%. Đây là kết quả của sự phụ thuộc rất lớn vào việc tiêu thụ than để sưởi ấm; và trong khi tỷ lệ hút thuốc lá của Trung Quốc vẫn ở mức cao, thì số ca ung thư phổi đã tăng 465% trong 3 thập kỷ qua, một phần cũng do các hạt mịn (PM2,5 - hạt bụi có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micromet) trong không khí khiến mọi người hít vào trong phổi. Những con số đáng kinh ngạc trên cho thấy một thực tế đơn giản: không khí của Trung Quốc đang hủy hoại sức khỏe và cuộc sống của người dân ở đó.
Ngoài ra, những thiệt hại về mặt kinh tế do ô nhiễm không khí gây ra cũng rất lớn. Khi tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh tăng, dẫn đến chi phí y tế tăng và ngày công cũng như năng suất lao động sẽ giảm đi. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng gây ra tình trạng cạn kiệt tài nguyên: Quá trình axit hóa đất từ mưa axit làm bạc màu, giảm diện tích và năng suất đất canh tác; thủy ngân thải ra từ việc đốt than sẽ ngấm vào trong nước, ô nhiễm nước sẽ ảnh hưởng đến cây trồng và vật nuôi...
Trách nhiệm đối phó thuộc về ai?
Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Trung Quốc gần đây đã đưa ra một loạt các chính sách và biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và làm sạch không khí bị ô nhiễm, trong đó có việc đóng cửa các nhà máy than quy mô nhỏ và không hiệu quả; cấm xây dựng các nhà máy chạy bằng than tại các khu kinh tế trọng điểm; tính toán kỹ lưỡng việc tiêu thụ than; hạn chế sự phát triển của các ngành công nghiệp tạo ra chất thải lớn. Gần đây có thông báo rằng cơ quan lập pháp của nước này đang xem xét việc thực hiện thuế ô nhiễm môi trường.
Để giảm sự phụ thuộc vào than đá, chính phủ Trung Quốc cũng đang tìm cách mở rộng việc khai thác các nguồn nhiên liệu khác, cụ thể là năng lượng tự nhiên như gió, mặt trời; thủy điện và điện hạt nhân. Bên cạnh đó, chính quyền cũng có kế hoạch loại bỏ những xe ô tô được đăng kí từ trước năm 2005 đã quá thời hạn lưu hành, yêu cầu sử dụng năng lượng sạch hơn và phát triển hệ thống giao thông công cộng.
Nhưng cho dù kế hoạch và các biện pháp đề ra như vậy, cuối cùng hiệu quả cũng sẽ không đạt được là bao trừ khi Bắc Kinh phải thực sự đối mặt với những gì vốn đã được chứng minh là trở ngại lớn nhất trong cuộc chiến chống ô nhiễm: thực hiện không hiệu quả trong thực thi pháp luật và các quy định về môi trường, Giáo sư Daniel K. Gardner cho biết.
Việc thực thi không hiệu quả trên bắt nguồn một phần từ các chính sách mâu thuẫn mà Bắc Kinh đề ra cho các cấp chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương tại Bắc Kinh đưa ra các chính sách và biện pháp xử lý vấn đề môi trường và sau đó đặt trách nhiệm vào vai các quan chức địa phương. Tuy nhiên, các quan chức địa phương, dưới áp lực của trung ương, phải đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên hết, coi đây là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá tính hiệu quả, thành công hay thất bại trong việc phát triển kinh tế của một địa phương. Kết quả là, các quan chức địa phương tự nhiên phải ưu tiên "phát triển" kinh tế hơn vấn đề bảo vệ môi trường.
Một vấn đề khác nữa đó là: Chính phủ có thể đề xuất ra các chính sách, biện pháp, đặt ra những quy định và tổ chức các cuộc hội thảo về “cuộc chiến chống ô nhiễm”, nhưng nếu không có cơ quan giám sát của Trung ương hoặc có một cơ chế rõ ràng, đủ sức mạnh và nguồn lực để giám sát việc thực thi và đốc thúc việc giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh, cuộc chiến này sẽ không dễ dàng giành chiến thắng.
Ông Gardner cho rằng cải cách mạnh mẽ cơ cấu của cơ quan bảo vệ môi trường đối với Trung Quốc là rất cần thiết lúc này. Hiện trách nhiệm giám sát môi trường tại Trung Quốc được giao cho ít nhất là sáu bộ và cơ quan nhà nước với những chương trình nghị sự và các mục tiêu thường xuyên mâu thuẫn hoặc chồng chéo nhau, do đó không tạo nên sức mạnh chung, thống nhất. Đã đế lúc các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh nên giao trách nhiệm cho Bộ Bảo vệ Môi trường (MEP) có quyền giám sát toàn diện. Là một Bộ trẻ nhất trong số 25 bộ trong chính phủ Trung Quốc (thành lập năm 2008), với đội ngũ nhân viên ít ỏi khoảng 300 người (Cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ hiện có hơn 17.000 người), MEP hiện nay có rất ít khả năng thực tế để giải quyết những thách thức mang tính quốc gia về môi trường tại Trung Quốc.
Nếu chính phủ Trung Quốc thực sự muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến chống ô nhiễm, đã đến lúc chính phủ Trung Quốc giao cho MEP chịu trách nhiệm bảo vệ môi trường với quy mô biên chế, kinh phí và công cụ như một loại “vũ khí” để chiến đấu.