Khánh Hòa đề xuất bảo tồn, nhân giống loài trà hoa Krempf

08:53, 23/05/2014

Các nhà khoa học tỉnh Khánh Hòa đề xuất bảo tồn loài trà hoa Krempf được phát hiện tại hai địa điểm thuộc vùng núi của tỉnh, phạm vi phân bổ hẹp với số lượng cá thể hạn chế.

Cuối năm 2013 nhóm nghiên cứu của Vườn quốc gia Piduop Núi Bà tỉnh thuộc Lâm Đồng và trường Đại học Đà Lạt cũng công bố tìm thấy loài cây này tại khu vực đèo Hòn Giao, tiếp giáp tỉnh Khánh Hòa. Đây là loài trà đặc hữu của Việt Nam và là nguồn gen hiếm, có thể đề xuất đưa vào Sách Đỏ để khoanh nuôi trong tự nhiên; đồng thời nghiên cứu, nhân giống.

 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa, giữa năm 2013, trong quá trình điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa đã tình cờ phát hiện một cá thể loài cây này tại vùng núi Hòn Bà, nhưng khi đó cây chưa ra hoa.

 

Đến tháng 11/2013, nhóm nghiên cứu lại gặp loài cây này tại vùng núi Sơn Thái, thuộc huyện miền núi Khánh Vĩnh (cách Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà 6km theo đường chim bay). Nhờ thu được mẫu đầy đủ, kể cả hoa và quả, đã giúp các nhà nghiên cứu nhận dạng rõ nét hơn về loài cây này. Sau hơn 100 năm được các nhà thực vật học quốc tế tìm thấy chúng lần đầu tiên vào năm 1912, cũng tại khu vực núi Hòn Bà.

 

Các tài liệu cho thấy, năm 1942, loài cây này đã được nhà thực vật học người Pháp F. Gagnepain công bố và đặt tên là Thea Krempfii, thuộc họ trà. Đến năm 1949, loài cây này được xếp vào chi mới là Camellia Krempfii. Tuy nhiên từ đó loài trà này không được tìm thấy thêm trong tự nhiên.

 

Trà hoa Krempf có thân gỗ nhỏ, cao đến 8m, nhiều cành lá; lá đơn, không lông, phiến thuôn dài, có gân viền mép; mép lá có răng cưa nhỏ, đuôi lá hình tím. Hoa của chúng thường là hoa đơn, đôi khi hai, mọc ở nách lá, màu đỏ, đường kính từ 5-7cm; quả nang, hình cầu dẹp, gồm 10 múi, đường kính 6-7cm; hạt nâu bóng, kích thước 1,5-2cm.

 

Đối với sinh thái, loài cây này có mặt trong rừng kín thường xanh nhiệt đới, phân bố ở độ cao từ 700-800m, tái sinh trong tự nhiên tương đối ít./.