Không ngừng lao động và sáng tạo đưa khoa học - công nghệ vào cuộc sống

07:42, 16/05/2014

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5), phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Hoan, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về những thành tựu nổi bật của KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua, giải pháp và công việc cụ thể để đẩy mạnh hoạt động này trong giai đoạn tới. 

P.V: Năm nay, lần đầu tiên Chính phủ quyết định lấy ngày 18-5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Xin đồng chí nói rõ hơn về ý nghĩa của ngày này?

 

Đ/c Bùi Văn Hoan: Cách đây hơn 50 năm, vào trung tuần tháng 5-1963, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Đại hội đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và có bài phát biểu quan trọng định hướng cho hoạt động KH&CN của nước nhà. Người nói “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Bài phát biểu rất ngắn gọn, súc tích nhưng dễ hiểu, dễ tiếp thu, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ nguyên lý, phương châm và sứ mạng cao cả của KH&CN. Quán triệt tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 5 thập kỷ qua, các thế hệ tri thức, nhà KH&CN của cả nước đã luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng lao động và sáng tạo để đưa KH&CN vào cuộc sống. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử đó, Bộ KH&CN đã đề xuất, được Chính phủ đồng ý và Quốc hội nhất trí lấy ngày 18-5 hằng năm là Ngày KH&CN Việt Nam.

 

Ngày KH&CN chính là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học. Đây cũng chính là cơ hội để tuyên truyền, phổ biến giáo dục về vai trò của KH&CN, đường lối, chính sách, pháp luật phục vụ phát triển KH&CN như là quốc sách hàng đầu (Hiến pháp sửa đổi 2013). Tuyên truyền phổ biến rộng rãi các thành tựu KH&CN, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN; động viên, khích lệ thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

 

P.V: Đồng chí có thể cho biết những thành tựu nổi bật của KH&CN trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

 

Đ/c Bùi Văn Hoan: Nói đến các thành tựu nổi bật của KH&CN, trước tiên phải khẳng định, Sở KH&CN đã làm tốt công tác tham mưu về công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, chúng tôi đang triển khai xây dựng dự thảo để trình UBND tỉnh ban hành một số văn bản liên quan đến hoạt động KH&CN khi Luật KH&CN sửa đổi năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Sở đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Kể từ khi mới thành lập chỉ có 3 phòng, đến nay đã có 7 phòng, 4 đơn vị trực thuộc. Đội ngũ cán bộ ngày càng lớn mạnh, hiện tại gần 1/3 số cán bộ, công chức, viên chức (tổng số gần 100 người) có trình độ trên đại học. Với đội ngũ cán bộ ngày càng nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Sở KH&CN thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: hoạt động KH&CN; phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; an toàn bức xạ và hạt nhân; các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Sở quản lý trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

 

Nổi bật nhất là hoạt động nghiên cứu khoa học. Khoảng 90% danh mục các đề tài, dự án được phê duyệt là các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng (có nghĩa là áp dụng các thành tựu, các tiến bộ, các công nghệ mới vào sản xuất và đời sống), do đó kết quả của các nghiên cứu này thường là cụ thể, có tính thực tiễn cao. Cụ thể, đối với khoa học nông nghiệp, đã rất thành công trong việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống (như giống chè, giống lúa, giống cây ăn quả, giống hoa, khoai tây; một số loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá rô phi đơn tính, cá tầm). Quy trình sản xuất để tạo ra các sản phẩm theo hướng an toàn từ nguồn nguyên liệu chủ lực của tỉnh như là chè, rau, gà, lợn; về bảo tồn nguồn gen quý hiếm của thực vật và động vật.

 

Đối với khoa học kỹ thuật và công nghệ: Ứng dụng thành công các công nghệ mới để bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý ở cấp độ cao. Đối với khoa học xã hội: Một số kết quả nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ tỉnh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; áp dụng một số phương pháp giảng dạy mới, hiện đại trong giáo dục. Đối với khoa học y dược: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật dao Gamma xây dựng Trung tâm Trị liệu ung thư tại Bệnh viện C; Nghiên cứu, ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện A.

 

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đặc biệt là công tác quản lý sở hữu trí tuệ được thực hiện khá tốt. Đến nay, Sở đã tham mưu cho tỉnh đăng bạ và bảo hộ 01 chỉ dẫn địa lý; 02 nhãn hiệu chứng nhận, 12 nhãn hiệu tập thể và hơn 400 nhãn hiệu hàng hóa của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện tại Sở đang xúc tiến kế hoạch đăng bạ và bảo hộ nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ, để nâng tầm thương hiệu chè Thái Nguyên ra các nước trên thế giới.

 

P.V: Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cái khó nhất trong việc đưa các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN vào thực tiễn hiện nay là gì, thưa đồng chí?

 

Đ/c Bùi Văn Hoan: Về cơ bản các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực KH&CN thời gian qua đã đi vào được cuộc sống. Tuy nhiên, cơ chế quản lý vẫn còn bất cập, nhất là cơ chế tài chính cho các hoạt động nghiên cứu triển khai. Đầu tiên phải nói đến cơ chế cấp phát tài chính theo năm ngân sách đã dẫn đến có khi có đề tài nghiên cứu vừa được cấp kinh phí, chưa triển khai được gì đã phải tính đến việc quyết toán theo năm ngân sách.

 

Tiếp đến định mức tài chính cho các hạng mục nghiên cứu triển khai, nhìn chung một số định mức chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu triển khai, là một hoạt động trí óc khác hẳn với hoạt động sản xuất vật chất thông thường; hơn nữa, do kinh phí chi cho KH&CN còn thấp nên chưa đủ để giải quyết các vấn đề lớn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thì không mặn mà với việc tham gia hoạt động nghiên cứu triển khai, đã có doanh nghiệp đề xuất ý tưởng nghiên cứu nhưng sau khi được thẩm định tài chính với tổng mức kinh phí khoảng vài trăm triệu doanh nghiệp xin không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ KH&CN đó nữa. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN hiện nay cũng còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế quản lý hành chính áp dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

 

P.V: Xin đồng chí cho biết những giải pháp và công việc cụ thể để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới?

 

Đ/c Bùi Văn Hoan: Để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh thì mấu chốt vẫn là phải tạo lập được hành lang pháp lý đủ mạnh để khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động KH&CN. Có nghĩa là trách nhiệm thuộc về những người làm công tác quản lý nhà nước về KH&CN. Thời gian tới, Sở sẽ tập trung để tham mưu trình UBND tỉnh ban hành một loạt cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các văn bản của cấp trên cho phù hợp với thực tế của tỉnh, đó là: Cơ chế quản lý các nhiệm vụ KH&CN; cơ chế tài chính, đặc biệt là định mức chi cho hoạt động nghiên cứu và triển khai (cơ chế như hiện tại đã không còn phù hợp); hình thành Quỹ Phát triển KH&CN của tỉnh (từ nguồn ngân sách Nhà nước và từ các doanh nghiệp), tiến tới cấp kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ và theo cơ chế quỹ; tăng cường tiểm lực KH&CN để đảm đương được các nhiệm vụ trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!