Hoạt động quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có sự thay đổi cơ bản cả về hình thức và nội dung, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đặc biệt là sau khi Luật SHTT có hiệu lực từ ngày 1-7-2006, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực xây dựng và ban hành các văn bản nhằm quản lý, thúc đẩy hoạt động SHTT.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN chúng tôi được biết: Thời gian qua, công tác SHTT được Sở KH&CN đặc biệt chú trọng, qua đó góp phần đẩy mạnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về SHTT. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách pháp luật về SHTT được duy trì có hiệu quả. Năm 2013, Sở đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về SHTT cho gần 900 lượt người tham dự và 8 hội thảo khoa học với hơn 400 lượt người tham dự. Mặt khác, Sở đã tổ chức biên tập, phát hành nhiều ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở KH&CN cũng thường xuyên thực hiện việc giải đáp các câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về SHTT của các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là của các doanh nghiệp. Sở KH&CN đã hướng dẫn và tư vấn cho các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp: nhãn hiệu, sáng chế/giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp...
Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT, nhiều tập thể, doanh nghiệp đã tiếp cận với phòng chuyên môn của Sở và được tư vấn, hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa. Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần An An, Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Công ty của chúng tôi chuyên kinh doanh các loại máy móc, vật tư phục vụ sản xuất và chế biến chè. Mới đây, Công ty làm thêm một sản phẩm mới là An An trà, nguyên liệu sản xuất trà thuộc các xã vùng chè Tân Cương. Với sự phát triển mạnh của nền kinh tế thị trường như hiện nay, việc xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết và quan trọng để tạo ra sự cạnh tranh bền vững với các thương hiệu khác trong cùng lĩnh vực. Công ty đặc biệt chú trọng đến việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bởi đây là cơ sở để doanh nghiệp sử dụng nhãn hiệu xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình. Đến nay, Công ty đã có 4 nhãn hiệu, sản phẩm được đăng ký bảo hộ là: Hoa cây cảnh, Máy hút chân không, An An trà và thương hiệu của Công ty.
Một trong những hoạt động nổi bật nhất liên quan đến SHTT là hoạt động hỗ trợ xác lập quyền, bảo vệ và khai thác các tài sản, trí tuệ là các sản phẩm đặc sản của địa phương có giá trị kinh tế cao. Hoạt động này đã được chú trọng đầu tư đúng mức thông qua các nhiệm vụ KH&CN của địa phương và các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ KH&CN, góp phần tạo động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong 2 năm qua, Sở KH&CN được UBND tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 8 nhiệm vụ KH&CN về SHTT như: Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi Tiên Hội”; Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nấm Thái Nguyên”, “Lúa nếp vải Phú Lương”, “gạo Bao Thái Định Hóa”, “Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “Miến Việt Cường” và đăng ký nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” ra nước ngoài. Trong năm 2013, Sở KH&CN đã phối hợp với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tiến hành xác lập thành công 2 kỷ lục cho Trà Thái Nguyên (Kỷ lục châu Á: Sản phẩm Trà Thái Nguyên thuộc Top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á; Kỷ lục Việt Nam: Thái Nguyên - Thương hiệu Trà danh tiếng được nhiều người biết đến nhất). Hai kỷ lục này đã góp phần nâng tầm thương hiệu, chắp cánh bay xa cho sản phẩm chè Thái Nguyên. Tính đến thời điểm này đã có 14 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký bảo hộ SHTT và trên 400 doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ cho sản phẩm hàng hóa (trung bình mỗi năm có từ 30-40 doanh nghiệp đăng ký).
Có thể khẳng định, hoạt động quản lý Nhà nước về SHTT thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về quyền SHTT, hỗ trợ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh.